Không lo xa, ắt có họa gần

17/12/2015 10:38
Ngọc Việt
(GDVN) - Điều nguy hiểm hơn lại là một quốc gia có thể bị phá nát, thậm chí xoa xổ vì hành động mang danh chính nghĩa – chống khủng bố.

Theo Reuters, ngày 14/12 tại thủ đô Riyadh, Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố gồm 34 nước do Saudi Arabia đứng đầu đã được thành lập với một tuyên bố chung khẳng định nhiệm vụ và sự đoàn kết của các thành viên trong cuộc chiến chống khủng bố.

Như vậy là trong khi các siêu cường chưa thống nhất để hình thành một mặt trận chống khủng bố quốc tế thì các nước vùng Trung Đông - Bắc Phi cùng với một số nước Hồi giáo trên thế giới, đã thành lập một liên minh chống khủng bố của riêng mình. 

Quốc vương Saudi Arabia Salman – người khởi xướng và chủ trì việc thành lập Liên minh Quân sự Hồi giáo, chống khủng bố - Ảnh : Reuters
Quốc vương Saudi Arabia Salman – người khởi xướng và chủ trì việc thành lập Liên minh Quân sự Hồi giáo, chống khủng bố - Ảnh : Reuters

Theo Mirror ngày 15/12, Liên minh này gồm các nước: Saudi Arabia, Bahrain, Bangladesh, Benin, Chad, Comoros, Cote d'Ivoire, Djibouti, Ai Cập, Gabon, Guinea, Jordan, Kuwait, Lebanon, Libya, Malaysia, Maldives, Mali, Morocco, Mauritania, Niger, Nigeria, Pakistan, the Palestinians, Qatar, Senegal, Sierra Leone, Somalia, Sudan, Togo, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Yemen.

Nhìn vào danh sách các nước tham gia liên minh quân sự này thì có thể thấy rằng chống khủng bố là mục tiêu trực tiếp, nhiệm vụ cấp bách của liên minh và cũng không khác gì mục tiêu của các lực lượng chống khủng bố hiện nay do Mỹ đứng đầu và Nga đang xúc tiến.

Tuy nhiên, mục đích của việc thành lập Liên minh quân sự Hồi giáo có lẽ không chỉ là hướng vào việc chống chủ nghĩa khủng bố mà thôi.

Bảo vệ thanh danh cho Hồi giáo

Theo Newsweek ngày 15/12, liên minh có "nhiệm vụ bảo vệ các quốc gia Hồi giáo khỏi sự đe dọa của tất cả các nhóm khủng bố và các tổ chức giáo phái nào trên thế giới tao điều kiện và nuôi dưỡng khủng bố để chúng có thể thực hiện những hành động tấn công giết chóc vào những người dân vô tội trên trái đất". 

Khi khủng bố tấn công một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào thì cùng lúc đó là lợi ích dân tộc bị chà đạp, cuộc sống của người dân bị đe dọa, xã hội trở nên bất ổn. Vì vậy, ngăn ngừa khủng bố, ngăn chặn hành động của khủng bố, tấn công tiêu diệt những kẻ khủng bố là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và cuộc sống của người dân.

Vì Hồi giáo có những luật lệ nghiêm khắc nên luôn bị một bộ phận dư luận xem gần với tư tưởng của những kẻ khủng bố, nên cứ ở đâu bị khủng bố tấn công thì ngay tức khắc người ta hướng ánh mắt nghi ngại về cộng đồng người Hồi giáo ở đó. Đó là lý do tại sao những chính khách như Donald Trump vừa qua lại có quan điểm bài xích người Hồi giáo như vậy.

Do đó mục tiêu của việc thành lập Liên minh quân sự Hồi giáo, ngoài việc bảo vệ các quốc gia Hôi giáo trước nguy cơ khủng bố, còn là bảo vệ sự trong sạch của đạo Hồi, bảo vệ cho sự tồn tại và phát triển của Hồi giáo ở những nơi, những đất nước mà Hồi giáo đang bị đưa vào dạng “nghi phạm đồng phạm” với khủng bố.

Thực ra từ khi chủ nghĩa khủng bố thành hình với tư tưởng và hành động cực đoan, chúng đã lợi dụng Hồi giáo để thu phục nhân tâm và tạo nên một sức mạnh vô hình nhưng cực kỳ mạnh mẽ cho chúng.

Nguyên nhân là do chúng tạo nên mâu thuẫn giữa Hồi giáo và phần còn lại của thế giới. Khi thế giới tỏ ra nghi ngại với Hồi giáo, nghĩa là mặt trận chống khủng bố sẽ bị thu hẹp lực lượng, thậm chí hình thành hai chiến tuyến, khi đó khủng bố bị đẩy về phía Hồi giáo và chúng có thể đứng vững trên chiến tuyến của thế giới Hồi giáo.

Cần thận trọng khi nhận diện khủng bố và tham gia các liên minh

Nhìn vào Iraq, Syria, Libya, Afghanistan là những nước mà khủng bố đang khẳng định sức mạnh thì cuộc sống của người dân vô cùng bất ổn, đất nước khó khăn, lợi ích quốc gia, dân tộc  ở nhiều nơi bị chà đạp dước gót dày của những kẻ khủng bố.

Tuy nhiên, dù khủng bố reo rắc kinh hoàng khắp thế giới, nhưng mục tiêu của chúng luôn hướng về những nơi được xem là trung tâm quyền lực của thế giới – những siêu cường – như một sự trả thù, một sự thách thức. 

Những kẻ khủng bố hoành hành tại Trung Đông – Bắc Phi, chà đạp lên lợi ích quốc gia dân tộc - Ảnh: Reuters
Những kẻ khủng bố hoành hành tại Trung Đông – Bắc Phi, chà đạp lên lợi ích quốc gia dân tộc - Ảnh: Reuters

Và khi những kẻ khủng bố phải đón nhận sự trừng phạt bởi sức mạnh của vũ lực, thì những quốc gia chứa chấp hay bị nghi ngờ chứa chấp, tạo điều kiện cho khủng bố bám rễ là những nơi đầu tiên nhất hứng chịu sự tàn khốc của bom đạn.

Khủng bố có bị tiêu diệt hay bị suy yếu hay không sau các đợt tấn công quân sự thì chưa thể được kiểm chứng được. Nhưng chủ quyền quốc gia của những nước bị nghi ngờ, lúc đó không còn được tôn trọng, thậm chí bị tước bỏ là điều thấy rõ nhất.

Nhiều quốc gia phải bỏ sang một bên lợi ích dân tộc, hợp tác chống khủng bố trên quê hương mình theo mệnh lệnh của sức mạnh ở phương trời xa và điều đó góp phần làm suy yếu ngay chế độ của quốc gia mình, làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc mình.

Tổng thống các siêu cường Mỹ, Nga, Pháp đều có những tuyên bố sẽ tấn công khủng bố ở khắp mọi nơi, sau khi nhân dân và đất nước họ bị khủng bố tấn công, thảm sát, chủ quyền quốc gia - niềm kiêu hãnh của họ bị khủng bố thách thức.

Saudi Arabia từng rùng mình khi biết Bin Laden đã rời bỏ quê hương đi làm thánh chiến, nếu không thì không biết họ phải hứng chịu bao nhiêu bom đạn của sức mạnh bá quyền nhằm tìm diệt Bin Laden.

Chủ quyền của những quốc gia nhỏ như Maldives hay Mauritania sẽ nghiêng ngả chỉ bởi một nguồn tin có vài kẻ khủng bố đang ẩn ấp ở các quốc gia đó và đang lên kế hoạch tấn công một siêu cường nào đó.

Một đất nước có thể phải gánh chịu những hậu quả thảm thương vì những hành động vô luân của chủ nghĩa khủng bố. Nhưng điều nguy hiểm hơn lại là một quốc gia có thể bị phá nát, thậm chí xoa xổ vì hành động mang danh chính nghĩa – chống khủng bố. 

Trước nguy cơ lợi ích dân tộc có thể bị chà đạp bởi hành động khủng bố, trước nguy cơ chủ quyền quốc gia bị tước bỏ bởi hành động chống khủng bố, Saudi Arabia đã biết lo xa để tránh họa gần, chủ động kết hợp với những quốc gia có thể bị xem là “đồng phạm” với khủng bố bất cứ lúc nào, thành lập một liên minh quân sự để xây dựng một hàng rào chắn cho độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của mình.

Newsweek đã từng đặt vấn đề là ngày tàn của khủng bố đã đến khi chứng kiến sự ra đời của Liên minh quân sự Hồi giáo. Tuy nhiên, điều này thì chưa thể khẳng định, nhưng có điều chắc chắn là cuộc chiến chống khủng bố sẽ có những đổi thay, không chỉ về lực lượng mà còn về tính chất và giới hạn của những hành động – không thể vì hành động chống khủng bố mà tước bỏ chủ quyền, xem thường chính thể quốc quốc gia.

Ngọc Việt