Malaysia, Indonesia bất ngờ "dĩ hòa vi quý" với Trung Quốc ở Biển Đông

29/03/2016 06:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngay cả khi thông tin về các tàu cá Trung Quốc được xác nhận, chuyện này cũng nên được "giải quyết song phương" với Bắc Kinh.

The Straits Times ngày 29/3 bình luận, Malaysia đã bất ngờ thay đổi thái độ với Trung Quốc trên Biển Đông khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này đột ngột phủ nhận thông tin của người đồng cấp. Bộ trưởng An ninh quốc gia Shahidan Kassim trước đó về việc có hơn 100 tàu Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế mà Malaysia yêu sách trên Biển Đông.

Trước đó, ông Shahidan Kassim cho biết, Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia và hải quân đã điều tàu đến khu vực phát hiện một nhóm tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép.

Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Hishammudin Hussein hôm 28/3 nói với báo giới, Tư lệnh Hải quân báo cáo với ông rằng không có tàu Trung Quốc nào "xâm nhập vùng biển Malaysia". Con số hơn 100 tàu Trung Quốc được ông sửa lại là 82 "tàu cá nước ngoài".

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammudin Hussein, ảnh: The Malaysian Online.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammudin Hussein, ảnh: The Malaysian Online.

Hôm Chủ Nhật ông Hishammuddin Hussein tỏ ra miễn cưỡng trong việc phản ứng lại với các hành vi leo thang của Trung Quốc trong khu vực Malaysia yêu sách vùng đặc quyền kinh tế khi nói rằng, ngay cả khi thông tin về các tàu cá Trung Quốc được xác nhận, chuyện này cũng nên được "giải quyết song phương" với Bắc Kinh.

Các nguồn tin cho hay, mặc dù các tàu cá không được đánh dấu rõ ràng chúng là tàu cá Trung Quốc, nhưng lại được tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống. Trong khi Bộ trưởng An ninh Quốc gia Seri Shahidan khẳng định, tàu Trung Quốc vẫn hiện diện ở đó và Bắc Kinh phải có câu trả lời.

The Straits Times lưu ý, chính quyền Thủ tướng Najib Razak thích duy trì mối quan hệ thân mật với Bắc Kinh bởi các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia đạt mức cao kỷ lục.

Tương tự như Malaysia, đã có những chia rẽ trong nội bộ giới chức Indonesia về phản ứng trước các hành vi leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là vụ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna và tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tông tàu tuần tra Indonesia để giải vây hôm 20/3.

Khác với thái độ kiên quyết của Bộ trưởng Thủy sản Indonesia - bà Susi Pudjiastuti đã lập tức tổ chức họp báo quốc tế lên án Trung Quốc trong vụ việc này bất chấp lời thỉnh cầu "đóng cửa bảo nhau" của Bắc Kinh, triệu kiến đại diện đại sứ quán Trung Quốc và tuyên bố khả năng khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển hôm 21/3, hôm 24/3 Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla kêu gọi các bên bình tĩnh, kiềm chế ở Biển Đông.

The Jakarta Post ngày 24/3 đưa tin, bên lề Diễn đàn Bác Ngao ở Hải Nam, ông Jusuf Kalla tuyên bố: "Indonesia không phải một bên có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên chúng tôi nhận thức được những rủi ro thực sự của vân đề này, tranh chấp lãnh thổ có thể biến thành một cuộc xung đột mở mà cuối cùng sẽ khuấy động những rắc rối trong khu vực".

Phó Tổng thống Indonesia nói rằng chính phủ nước này tin tưởng mạnh mẽ rằng, tôn trọng lẫn nhau và kiềm chế là chìa khóa duy trì hòa bình và ổn định, an ninh ở Biển Đông. Các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thì khẳng định, Indonesia coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Vấn đề chỉ là Jakarta không chấp nhận khái niệm "vùng đánh cá truyền thống" mà Bắc Kinh đang tuyên bố, theo đuổi ở Biển Đông.

Khẩu khí này khác hẳn với những tuyên bố và hành động mạnh mẽ, dứt khoát từ bà Bộ trưởng Thủy sản, đồng thời cũng khác hẳn những lo ngại của Chủ tịch Hạ viện Indonesia thúc giục Tổng thống nước này ông Joko Widodo lên tiếng, không nên để bà Susi Pudjiastuti một mình đương đầu với Trung Quốc.

Hồng Thủy