Mark Valencia xui Trung Quốc nên tìm cách đánh đổi đường lưỡi bò lấy 200 hải lý

09/11/2015 13:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Đáng lẽ tiến sĩ Mark Valencia nên khuyên Bắc Kinh hành xử đúng pháp luật, tuân thủ UNCLOS với tư cách một thành viên Công ước, nhưng ông lại đang làm ngược lại

Mark Valencia, một học giả Hoa Kỳ là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc thành lập ở tỉnh Hải Nam ngày 9/11 bình luận trên The Strait Times về những khả năng Trung Quốc có thể phản ứng với "sự cố" tàu chiến Hoa Kỳ USS Lassen tuần tra tự do hàng hải quanh đá Xu Bi, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Tiến sĩ Mark Valencia. Ảnh: nghiencuubiendong.vn
Tiến sĩ Mark Valencia. Ảnh: nghiencuubiendong.vn

Ông Valencia nhận xét, phản ứng ban đầu của Trung Quốc là tức giận, nhưng cho đến nay đã tỏ ra chấp nhận. Bất chấp "sự cố" USS Lassen, chỉ huy hải quân hai nước Mỹ, Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố rằng, giao lưu tham ấn song phương vẫn tiếp tục. Về phần mình, Hoa Kỳ không khoe khoang, thậm chí tỏ ra miễn cưỡng khi phải thảo luận chi tiết về vụ tuần tra ở Xu Bi.

Mỹ đã tuyên bố, tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông đã "thành công". Một số nhà phân tích kết luận rằng, Trung Quốc hoặc là không thể, hoặc là không muốn phản ứng. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương xác nhận rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục tuần tra hải quân trong khu vực để khẳng định quyền tự do hàng hải. Mỹ dường như có ý định chứng minh họ vẫn là sức mạnh chính trong khu vực.

Nhưng trong trường hợp tuần tra vừa rồi, theo ông Mark Valencia thì USS Lassen đã tắt radar điều khiển hỏa lực của mình khi đi qua Xu Bi, một hành động giống như "đi qua vô hại" trong một vùng lãnh hải 12 hải lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Hơn nữa, máy bay đi tuần tra cùng USS Lassen lại bay ngoài phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Xu Bi.

Trong khi đó ông Valencia nhấn mạnh, luật quốc tế cho phép quyền tự do hàng hải trên biển cả, radar hỏa lực có thể được sử dụng một cách chủ động hay thụ động, phát sóng và tiếp sóng liên lạc với máy bay. Tuy nhiên ông Valencia không nói rõ, thông tin ông cho là dường như USS Lassen chỉ "đi qua vô hại" ở Xu Bi lấy ở đâu ra. Mỹ không nói gì về điều này, trong khi đó một vài tờ báo Trung Quốc đưa thông tin như ông Valencia nhưng không dẫn nguồn.

Tuy nhiên theo Valencia, động thái này của Hoa Kỳ cũng làm Tập Cận Bình bối rối khi nó diễn ra không lâu sau chuyến thăm chính thức của ông tới Hoa Kỳ, đúng lúc đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương 5. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì lên tiếng cho rằng: "Hành động liên quan của tàu hải quân Mỹ đe dọa chủ quyền và an ninh mà Trung Quốc quan tâm".

Tau USS Lassen, ảnh: AP.
Tau USS Lassen, ảnh: AP.

Đá Xu Bi và Vành Khăn vốn là những bãi cạn lúc chìm, lúc nổi đã bị Trung Quốc bơm cát bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên đó. Theo UNCLOS, hai thực thể này không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý. Hơn nữa, Bắc Kinh chưa bao giờ tuyên bố đường cơ sở của họ trong yêu sách đối với quần đảo Trường Sa, họ cũng chưa bao giờ có tuyên bố chính thức về lãnh hải từ các thực thể hay cả quần đảo này, Valencia lưu ý.

Vì vậy cách duy nhất để hiểu thông điệp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau sự kiện USS Lassen, bằng cách tuyên bố Mỹ xâm phạm "chủ quyền", Trung Quốc đã gián tiếp xác nhận yêu sách lãnh hải 12 hải lý với Xu Bi, Vành Khăn mà không có bất kỳ căn cứ nào từ UNCLOS. Mark Valencia khẳng định Mỹ chỉ "đi qua vô hại" ở Xu Bi có nghĩa là mặc nhiên thừa nhận yêu sách lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc và hoạt động tuần tra trở nên phản tác dụng?!

Trung Quốc hiện có một số tùy chọn không loại trừ lẫn nhau, và hầu hết trong số đó không tốt cho chính Bắc Kinh cũng như khu vực, ông Valencia bình luận. Thứ nhất, Bắc Kinh có thể chỉ đơn giản mặc kệ các hoạt động phản đối của Mỹ và các bên, tiếp tục bồi lấp các bãi cạn lúc nổi lúc chìm thành đảo nhân tạo.

Điều này có nghĩa thỏa thuận về COC, một bộ quy tắc ràng buộc sẽ khó khăn hơn, quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhưng không bị phá vỡ.

Thứ hai, Trung Quốc có thể gây cản trở hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Hoa Kỳ trong tương lai bằng lực lượng Cảnh sát biển hoặc tàu cá (trá hình). Điều này có thể leo thang căng thẳng và dẫn đến nguy cơ "tai nạn, đối đầu".

Thứ ba, Trung Quốc có thể đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không (bất hợp pháp)  ở phía Nam Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và vùng biển phụ cận. Có lẽ Mỹ sẽ lập tức cho máy bay quân sự đi qua nếu Bắc Kinh làm điều này.

Trong kịch bản xấu nhất, Trung Quốc sẽ sử dụng tàu quân sự, máy bay quân sự để đối đầu với tàu và máy bay Hoa Kỳ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và tìm cách đuổi tàu, máy bay Mỹ. Trong trường hợp này khu vực có thể chứng kiến một vòng xoáy tới xung đột, chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông mà các nước ASEAN bị kẹt ở giữa.

Nhưng điều này không, hoặc chí ít là chưa có khả năng xảy ra lúc này, mặc dù hiện tại đã có những chia rẽ trong ASEAN về hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ, ông Valencia nhận định.

Theo ông, kịch bản tốt nhất cho vấn đề Biển Đông là Trung Quốc rút yêu sách đường 9 đoạn của mình, hoặc làm rõ chi tiết căn cứ pháp lý của yêu sách này cũng như (cái gọi là) chủ quyền đối với tất cả các thực thể là hải đảo, bãi đá, rặng san hô ở Biển Đông bên trong đường lưỡi bò.

Ông Valencia cho rằng, làm được như vậy, sau đó Trung Quốc có thể "giải thích" rằng họ yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ một số "đảo" (nhân tạo) và sẵn sàng đàm phán với các bên yêu sách khác.

Nói cách khác, vị tiến sĩ Hoa Kỳ này đang mách nước cho Trung Quốc biến không thành có, không những đòi 12 hải lý lãnh hải mà còn 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế với những thực thể không được hưởng các quy chế này theo UNCLOS, chỉ bằng cách "làm rõ đường lưỡi bò".

Mark Valencia tin rằng quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực sẽ được cải thiện, kịch bản này cũng khó, nhưng vẫn còn có thể hy vọng và đó là điều tốt nhất, trong khi vẫn phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Là một học giả chuyên nghiên cứu và được Trung Quốc thỉnh giảng về Biển Đông, đáng lẽ tiến sĩ Mark Valencia nên khuyên Bắc Kinh hành xử đúng pháp luật, tuân thủ UNCLOS với tư cách một thành viên Công ước, nhưng ông lại đang làm ngược lại, cổ súy cho hành động phá hoại Công ước - bản Hiến pháp về biển và đại dương mà nhân loại phải tốn bao thời gian, công sức mới có được.

Điều đó chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của dư luận tiến bộ trong khu vực cũng như trên thế giới, bởi không bảo vệ được UNCLOS, luật rừng sẽ lên ngôi.

Tuy nhiên bài phân tích của tiến sĩ Mark Valencia có thể xem như một dấu hiệu lạ cùng với bình luận bất ngờ của học giả Trung Quốc Tiết Lực về vụ tuần tra của USS Lassen. Dường như Trung Quốc đang tìm cách xì hơi đường lưỡi bò khi Tòa Trọng tài Thường trực sẽ ra phán quyết về vụ kiện lưỡi bò trong năm tới mà Trung Quốc gần như sẽ nắm phần thua?

Ít nhiều đây là những dấu hiệu đáng chú ý có thể báo hiệu một sự thay đổi nào đó về chiến thuật của Bắc Kinh, nhưng chiến lược và mục tiêu độc chiếm Biển Đông, bành trướng lãnh thổ thì không có gì thay đổi.

Hồng Thủy