Mất văn hóa tin tức thì chỉ còn văn hóa tin đồn

03/01/2012 12:39
Theo Lê Khánh Duy/ Tuần Việt Nam
Tôi tin nền báo chí của chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn nếu các nhà báo từ bỏ trách nhiệm đưa những tin tức nghiêm túc.
"Tôi tin nền báo chí của chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn nếu các nhà báo từ bỏ trách nhiệm đưa những tin tức nghiêm túc. Ai ai cũng nói to ý kiến của họ thì đó là giải trí chứ không có hiệu quả nào hết đối với nền dân chủ. Đối với tôi, đó không phải là văn hóa tin tức, đó là văn hóa tin đồn." GS Đại học Harvard Alex Jones nhận định.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Tôi muốn nói với ông đôi chút về tình hình ở Việt Nam. VietNamNet là một trong những tờ báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam, hình thành từ năm 1997 như một diễn đàn mạng. Khoảng 7,8 năm trước, Việt Nam cũng chứng kiến sự ra đời và phát triển của loại hình blog. Khoảng 2,3 năm trước, mạng xã hội bắt đầu bùng nổ và Facebook giờ đây rất phổ biến ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng với sự xuất hiện của các loại hình mới như vậy thì văn hóa tin tức đã đổi thay. Ngày trước, tin tức là một chiều, người đọc thụ động tiếp nhận tin tức từ báo in và truyền hình. Giờ đây, người ta bình luận, tranh cãi về mọi loại tin tức trên báo điện tử, mạng xã hội, diễn đàn mạng. Tôi nghĩ rằng đã có một văn hóa tin tức mới, một thứ văn hóa đối thoại nhiều hơn, nhiều ý kiến hơn và tất nhiên cũng nhiều tin đồn hơn. Internet đã khiến tin tức trở nên dễ tham gia hơn, mang tính xã hội hơn, đa dạng hơn và cũng phân hóa mạnh mẽ hơn. Với tư cách một người quan sát ngành công nghiệp truyền thông, ý kiến của ông thế nào về văn hóa tin tức mới này?

GS Alex Jones: Tôi nghĩ rằng những điều bạn nói rất đúng. Nhưng tôi nghĩ sẽ luôn có tranh luận và đối thoại trên báo chí. Giờ đây thì nhiều hơn thôi bởi sự xuất hiện của truyền thông mới. Nhưng điều cần lưu ý rằng trung tâm của tất cả mọi tranh luận phải là lõi thép mà tôi đã đề cập, tức là những tin tức được kiểm chứng. Đó là hạt nhân, nếu chúng ta không có các tin tức chính xác ấy, liệu mọi bình luận có giá trị gì không, không có giá trị gì hết nếu bình luận không dựa trên những tin tức đáng tin và xác thực.

Bình luận không có ý nghĩa gì hết nếu nó được đặt trên nền tảng hư không, mọi người thi nhau nói về mọi thứ nhưng không dựa trên bất kỳ kiến thức nào và lời nói của họ cũng chẳng tạo ra sức nặng nào. Ai cũng có quyền bình luận, tôi chỉ muốn lưu ý rằng bình luận phải dựa trên những chứng cớ và thông tin xác thực.

Bạn có thể phân tích thông tin theo nhiều cách khác nhau, nhưng nếu nhà báo không cung cấp cho bạn thông tin nền đó, lõi thép đó, điều bạn có chỉ là một bầu không khí nóng bỏng của những tranh luận vô nghĩa, những bình luận dựa trên bình luận khác. Đối với tôi, đó không phải là văn hóa tin tức, đó là văn hóa tin đồn.

Có thể đó sẽ là một thứ văn hóa tranh luận như bạn nói, nhưng nếu văn hóa đó không dựa trên tin tức thì vô ích, nó dễ dàng bị xuyên tạc. Bạn vứt ra công luận một thông tin không xác thực và mọi người không biết nên tin hay không thì bạn sẽ nhận được gì? Vì thế tôi tin nền báo chí của chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn nếu các nhà báo từ bỏ trách nhiệm đưa những tin tức nghiêm túc. Ai ai cũng nói to ý kiến của họ thì đó là giải trí chứ không có hiệu quả nào hết đối với nền dân chủ.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Vậy cá nhân ông có phản đối loại hình báo chí bình luận không?

GS Alex Jones: Không, tôi nghĩ bình luận là quan trọng và cần thiết. Tôi nhìn nhận nó thế này: cái lõi thép tin tức xác thực ấy là trái đất, còn bình luận chính là bầu khí quyển xung quanh. Bình luận là những gì xung quanh tin tức. Trung tâm của mọi thứ phải là trái đất, nếu chỉ có bầu khí quyển không thôi thì chúng ta không có gì cả.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Khi tôi nghiên cứu những quan điểm báo chí của ông, tôi thấy có một vài điểm rất giống với tình hình ở Việt Nam, một số điểm lại hơi khác một chút. Ví dụ: khi ông nói về sự suy giảm của tin tức nghiêm túc, ông cho rằng nguyên nhân là do việc sản xuất tin tức nghiêm túc luôn rất tốn kém, đó là phần tốn kém nhất của một tòa báo. Tôi nhớ rằng ông từng viết rằng, những tờ báo Mỹ có thể phải trả lương rất cao cho những phóng viên điều tra giỏi, thậm chí lương cao hơn cả Tổng biên tập đúng không?

GS Alex Jones: Hoàn toàn có thể như vậy.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Có thể lên tới 250.000 đôla Mỹ một năm, một con số rất lớn. Nhưng ở Việt Nam, tôi thấy các tờ báo không trả cho phóng viên điều tra mức lương cao như vậy, mức lương của họ cũng chỉ tương đương các phóng viên khác hoặc cao hơn chút xíu nhưng không bao giờ cao hơn tổng biên tập cả.

GS Alex Jones: Bạn phải thấy rằng số lượng các phóng viên điều tra ở Mỹ có thể kiếm 250.000 đôla một năm rất nhỏ. Hầu hết các phóng viên phải làm đủ mọi loại hình báo chí. Họ chỉ làm điều tra khi có cơ hội, khi họ nhìn thấy một vấn đề nào đó. Bạn có thể làm điều tra trong 1 ngày, cũng có những điều tra kéo dài tới 1 năm. Vấn đề là bạn có khả năng làm cho các quyền lực buộc phải giải trình, đó là vai trò của phóng sự điều tra.

Bạn nói đúng, làm phóng sự điều tra ở Mỹ là tốn kém nhất nhưng không chỉ vì đồng lương phải trả mà vì thời gian cần để tiến hành. Bạn phải trả lương cho một nhóm phóng viên không chỉ 1 tuần, 1 tháng mà còn hơn thế để phanh phui những vụ việc mà ai đó muốn giữ kín. Phóng sự điều tra dựa trên thực tế là có những thông tin mà người ta không muốn công chúng biết nhưng công chúng lại có quyền được biết, và nên biết. Để làm được điều đó cần nỗ lực, kỹ năng và cả thời gian nữa. Đó là lý do tại sao phóng sự điều tra lại đắt giá và cũng vì thế là thứ giá trị nhất.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Để làm được điều đó, nhà báo cần có một cam kết thực sự với công lợi và trách nhiệm xã hội. Nhưng trong nhiều trường hợp, có một vấn đề động lực ở đây, khi nhà báo làm loại hình báo chí điều tra nghiêm túc, họ gặp nguy hiểm, tốn thời gian và công sức, nhưng phần thưởng lại không tương xứng. Vậy họ rất dễ tặc lưỡi chuyển sang những loại hình báo chí khác dễ viết hơn, dễ kiếm tiền hơn, hay thậm chí là viết bài PR cho doanh nghiệp. Bây giờ, có ai đó đứng lên nói về đạo đức và trách nhiệm xã hội của báo chí, có khi người ta nhìn vào người đó như họ đến từ hành tinh khác. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

GS Alex Jones: Tôi nghĩ điều thứ nhất là trách nhiệm của lãnh đạo báo. Lãnh đạo báo phải là người truyền ý tưởng, truyền cảm hứng cho phóng viên, biên tập viên thực thi trách nhiệm xã hội của báo chí. Họ phải chứng tỏ cho nhân viên rằng họ ghi nhận và đánh giá cao điều đó, họ sẵn sàng hỗ trợ và tôn vinh những nỗ lực như vậy. Đó là giải pháp thứ nhất.

Thứ hai, đúng như bạn nói, khi một số hiện tượng trở nên quen thuộc, phổ biến thì ngày càng nhiều người làm theo. Rất phổ biến trong báo giới kể cả ở Hoa Kỳ là tình trạng, các phóng viên nói: ôi vấn đề rắc rối quá, tốn kém quá tôi không thể làm được. Nhưng sẽ luôn còn đó những con người đầy cảm hứng, luôn cam kết và có khả năng tìm ra những cách thức cũng như có đủ bản lĩnh để thực hiện những loại hình báo chí thực sự. Họ sẽ lại là người truyền cảm hứng cho những người khác nữa. Giải pháp của tôi là hãy tìm ra một cộng đồng nhỏ những con người như vậy và hãy để họ truyền cảm hứng cho những người khác. Tôi vẫn rất tin tưởng vào lý tưởng của những người trẻ tuổi. Nếu họ được nhìn thấy những mô hình, những ví dụ, những con người cụ thể họ ngưỡng mộ và tôn trọng, họ sẽ có được cảm hứng để làm những điều tốt đẹp. Không phải tất cả sẽ như vậy nhưng một số, một cộng đồng nhỏ sẽ như vậy.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Hãy nói một chút về lãnh đạo cơ quan báo chí, như ông từng viết trong một cuốn sách, trong suốt 150 năm qua, chủ sở hữu các báo ở Mỹ cố gắng duy trì một tỉ lệ không đổi 15% dành cho các tin nghiêm túc. Nhưng giờ đây, khi báo chí gặp phải quá nhiều khó khăn, họ buộc phải giảm tỉ lệ này xuống. Tôi thấy một tình hình tương tự diễn ra ở Việt Nam, các tổng biên tập đều hiểu phải cân bằng giữa lợi ích thương mại và trách nhiệm xã hội. Nhưng ở thời điểm khó khăn này, có vẻ như họ phải nghĩ tới việc tăng số lượng phát hành hay lượng truy cập hơn là lo lắng tới những tin nghiêm túc thường kén người đọc hơn. Chính vì thế, theo quan điểm cá nhân tôi, ở Việt Nam có sự nổi lên của tin tức giải trí: ngôi sao, tội phạm, tin đồn, người nổi tiếng...  Ông có nghĩ xu hướng này là bình thường hay không và tình hình ở Mỹ hiện nay như thế nào?

GS Alex Jones: Những gì bạn nói đều đúng cả, do tờ báo có một vị thế độc quyền, bạn mua một tờ báo vì bạn thích mục thể thao hay tin đồn về người nổi tiếng chẳng hạn, bạn cũng đồng thời nhận được những tin tức nghiêm túc đi kèm, cho dù bạn có muốn hay không.

Vấn đề với truyền thông mới bây giờ lại khác, bạn được lựa chọn chính xác những gì bạn muốn. Nếu bạn không muốn đọc tin chính trị, tin về chính phủ, những tin nặng, bạn không cần phải đọc. Bạn có thể đọc tin đồn về người nổi tiếng, tin thể thao, nhiều người chỉ thích đọc kiểu tin như vậy thôi.

Nhưng tôi cũng tin rằng, có nhiều người, không phải tất cả, nhưng một bộ phận những người tinh hoa có sức ảnh hưởng lớn nhất, có thể giàu có nhất nữa, những người tham gia vào chính trị tích cực nhất, vẫn cảm thấy một nhu cầu đọc tin nghiêm túc. Mô hình đang nổi lên sẽ là, nếu bạn muốn đọc tin đồn về người nổi tiếng, bạn vào trang chuyên về chuyện đó mà đọc. Bạn muốn tin tức chính thống, bạn vào trang chính thống.

Những tổng biên tập nói rằng người ta chỉ quan tâm tới tin đồn về người nổi tiếng thôi, họ có thể đi theo con đường đó và tôi nghĩ họ có một doanh nghiệp ổn. Nhưng họ lại đánh mất những người quan tâm tới tin tức nghiêm chỉnh và những người đó phải đi tìm một nơi khác. Môi trường web cho phép bạn tạo ra những không gian dễ tiếp cận và gần như không có rào cản, không cần phải có giấy in và mực mới có thể làm báo. Tuy vậy, nếu bạn không cung cấp cho họ những thông tin họ đánh giá cao và coi là quan trọng đối với cuộc đời họ, họ dễ dàng bỏ bạn mà đi. Ngược lại, nếu bạn tạo ra một cái gì đó khiến họ đánh giá cao và có giá trị, lượng truy cập và phát hành sẽ tăng.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Tôi lại thấy thực tế ngược lại, những gì không được đánh giá cao hay không có giá trị lại mới là thứ giúp tăng lượng truy cập và phát hành?

GS Alex Jones: Đó là trong ngắn hạn, giải pháp dễ dàng và nhanh chóng sẽ là: thôi, hãy làm tin thể thao đi, hãy làm tin về người nổi tiếng đi, không tin nghiêm túc nữa, không chính trị nữa. Nhưng tôi không nghĩ đó là giải pháp thông minh. Bởi trong dài hạn, khi mọi người có thể kiếm những thông tin giải trí như vậy ở khắp mọi nơi mọi chốn rồi, nhưng họ lại không tìm thấy tin tức nghiêm túc ở đâu cả. Lúc đó, bạn mới thấy quyền lực của tin chính thống, đó mới thật sự là quyền lực của báo chí chuyên nghiệp.

Đúng là tốn kém rất nhiều chi phí để tạo ra những giá trị như vậy, nhưng bản thân những giá trị đó mới ẩn chứa quyền lực và sức mạnh, bởi chúng không dành cho tất cả mọi người, phải nỗ lực mới làm ra được và không dễ tìm thấy ở nơi nào khác.

Đối với những nhà kinh doanh nói rằng: đừng tốn tiền vào các loại tin tức chính thống khô khan ấy nữa, tôi nghĩ họ gặp phải một sai lầm chiến lược trong dài hạn. Điều cần làm là cho độc giả thấy, chúng ta đang cung cấp cho độc giả cái mà họ muốn và họ không thể tìm thấy cái đó ở bất kỳ nơi nào khác.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Như vậy ý ông là, lãnh đạo các tờ báo nên kết hợp cả những tin nặng và tin nhẹ với nhau. Nhưng liệu có bình thường không khi một tờ báo vừa lá cải lại vừa chính thống, tôi thấy ở Châu Âu, người ta có xu hướng tách biệt hai loại hình báo chí này?

GS Alex Jones: Nhưng đó lại là những gì đã diễn ra ở Mỹ trong suốt bao nhiêu năm nay. Tin chính thống, tin đồn người nổi tiếng, thể thao, trò chơi ô chữ trong cũng một tờ báo như một cửa hàng bách hóa vậy. Người thích thể thao cũng mua cùng một tờ báo như người quan tâm tới chính trị. Sự hỗn hợp đó đã tạo ra mô hình kinh doanh cho tin chính trị nghiêm túc tồn tại. Giờ đây, đang xảy ra sự chia tách giữa hai loại hình này.

Nhưng nếu tờ báo chỉ có những tin nhẹ nhàng giải trí, tôi vẫn nghĩ đó là sai lầm tồi tệ bởi đó là một món hàng thông thường ê hề ở khắp mọi nơi. Chỉ có tin tức, tin địa phương, tin chính trị, tin điều tra lại là thứ có giá trị độc đáo và quyền lực. Tôi nghĩ mọi người luôn sẵn sàng ủng hộ những tin tức như vậy.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Vậy trong trí tưởng tượng của ông, tương lai sẽ là mô hình hỗn hợp như cũ: vừa lá cải vừa chính thống hay sẽ là mô hình tách biệt: chỉ có một số báo nghiêm túc và phần đông còn lại sẽ đi theo các dạng thức giải trí, lá cải, thể thao....?

GS Alex Jones:  Tôi nghĩ sẽ là mô hình tách biệt, sẽ tồn tại một số gã khồng lồ báo chí có quyền lực lớn bởi họ có một thương hiệu mà mọi người đều tin tưởng. Đó sẽ là những tờ báo dành cho lớp người tinh hoa. Con người không ngu ngốc, khi họ biết một tờ báo cung cấp những thứ mà các nơi khác không có, họ sẽ đi về hướng đó. Bởi thông tin là quyền lực và tri thức là quyền lực.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Tôi vẫn không thấy bị thuyết phục lắm, tôi đồng ý tin tức nghiêm túc là nền tảng quan trọng trong nền chính trị, góp phần kiểm soát và cân bằng các quyền lực khác trong hệ thống. Nhưng tôi thấy bi quan quá trong tình hình hiện nay, tôi không biết có tồn tại một mô hình kinh doanh nào giúp loại hình báo chí này sống được và sống tốt hay không?

GS Alex Jones: Tôi không biết anh có theo dõi những chiến lược gần đây của tờ The New York Times hay không? Tôi đã làm cho tờ The New York Times như anh biết vì thế xin lỗi khi tôi nói rằng tôi rất thiên vị tờ báo này. Tờ báo này gần đây đã tiến hành một thử nghiệm quan trọng là thu phí người đọc báo mạng của họ.

Họ chỉ cho khách hàng 8 bài báo miễn phí mỗi tháng. Khi bạn đọc tới bài thứ 9, một hộp thoại sẽ hiện ra báo với bạn rằng nếu muốn đọc tiếp, bạn phải trả tiền 15 hay 25 đôla gì đó. Cứ thế, mỗi tháng, tiền tự động được trừ đi trong tài khoản tín dụng của bạn.  Bạn không phải quyết định lại thêm lần nữa bởi mọi thứ tự động diễn ra.

Người đọc báo mạng đã cung cấp cho tờ The New York Times một nguồn thu mà họ chưa từng có trước đây. Trước đây là miễn phí. Và 3 tuần trước, họ có một báo cáo kết quả số người đã trả tiền để đọc The New York Times Online. Kết quả là có 380.000 người trả tiền, nghĩa là có tới hàng trăm triệu đôla doanh thu từ những người sẵn sàng trả phí để có thể đọc tờ báo này. Đó thật sự là một giải pháp cho thấy người dân sẵn sàng trả tiền cho những tin tức đáng giá với họ.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Còn điều này nữa, tôi xin trích từ cuốn sách của ông, ông viết: "Chiến dịch tranh cử của Obama chứng minh rằng các chính trị gia không cần phải đi qua bộ lọc của ngành công nghiệp tin tức để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử. Đó là một bài học mà những ứng viên khác cũng đang thuộc rất nhanh." Tôi đồng ý là Obama đã tận dụng rất tốt mạng xã hội và truyền thông mới để thắng cử, ông cũng đã khẳng định trong câu trên. Vậy nếu chính trị gia không còn cần tới bộ lọc báo chí chính thống để giành ưu thế chính trị thì phải chăng sự tồn tại trong dài hạn của loại hình này lại bị nghi vấn?

GS Alex Jones: Chúng ta đang nhìn thấy một thực tế là nhiều ứng viên tổng thống với trang mạng cá nhân của họ đang tận dụng lợi thế của truyền thông mới và truyền thông xã hội. Nhưng đồng thời, cơ chế chính để tiếp cận một số lượng đông đảo người dân vẫn là những hãng truyền thông lớn.

Ví dụ vài tháng trước, đã có nhiều cuộc tranh luận giữa các ứng viên Cộng hòa để tìm ra ứng viên tranh cử năm tới. Tất cả những cuộc tranh luận đó đều được đưa lên truyền hình, nhưng không phải tất cả các kênh truyền hình, chỉ có một vài kênh như CNN, Fox, ABC... Khi xong giai đoạn chỉ định trong Đảng rồi mới tới khâu quan trọng nhất của bầu cử, đó là cuộc tranh luận công khai giữa tổng thống Obama và ứng viên Cộng hòa còn lại. Cuộc tranh luận đó sẽ lên tất cả các kênh truyền hình.

Thực tế là mọi cuộc bầu cử, mọi chiến dịch bầu cử đều tìm kiếm nguồn tài trợ và cố gắng đẩy thông điệp của họ tới mọi người mà không bị báo chí chất vấn ở mức độ nào đó. Nhưng báo chí vẫn có vai trò quan trọng của nó. Các ứng viên không phụ thuộc vào báo chí để phát đi thông điệp họ muốn nữa, họ có thể tự phát thông điệp qua quảng cáo, truyền thông xã hội và website của họ. Thông qua mạng lưới liên kết đó, họ có thể phát thông điệp mà không bị lọc bởi báo chí. Có nghĩa họ không phải trả lời cho mọi câu hỏi của báo chí, nơi luôn luôn nghi ngờ và đặt mọi câu hỏi. Họ độc lập được với báo chí triệt để tới đâu, chúng ta hãy chờ xem. Chỉ có điều, cách thức vận hành của mạng là bạn có thể phát tán cái gì bạn muốn và người khác cũng vậy, ở đó có đủ mọi loại quan điểm đối lập nhau chan chát. Ai sẽ giúp người dân hiểu sự thật, ai giúp họ phân biệt tin tức chuẩn xác và những chuyện hư cấu, ai giúp họ có được lời giải thích xác đáng, đó vẫn phải là báo chí chuyên nghiệp.

Nhà báo Lê Khánh Duy: Một câu hỏi cuối cùng cho ông, cuốn sách của ông có tên "Sự biến mất của tin tức", vậy nếu phải trả lời. Có hay Không cho câu hỏi: "Tin tức sẽ biến mất hay không?" Ông trả lời như thế nào?

GS Alex Jones: Cuốn sách có tên là "Sự biến mất của tin tức" chứ không phải là "Những tin tức đã biến mất". Tôi cho rằng chúng ta đang đối mặt với một thách thức nghiêm trọng, thế giới đang đổi thay, nhưng tôi không tin rồi tin tức sẽ biến mất vĩnh viễn trừ phi trí não của chúng ta biến mất vĩnh viễn.

Theo Lê Khánh Duy/ Tuần Việt Nam