Máy bay C-130 Mỹ vẫn "đắt như tôm tươi"

09/01/2016 08:36
Đông Bình
(GDVN) - 83 chiếc này sẽ phục vụ cho không quân, thủy quân lục chiến và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ. Pháp cũng sẽ mua máy bay C-130, vì máy bay A-400M gặp sự cố.

China News ngày 7/1 đưa tin, Trung tâm quản lý tuổi thọ máy bay của Không quân Mỹ đã trao cho Công ty Lockheed Martin Mỹ một hợp đồng trị giá 5,3 tỷ USD, mua mới 83 máy bay vận tải dòng C-130 cho không quân, lực lượng thủy quân lục chiến và lực lượng bảo vệ bờ biển.

Máy bay vận tải C-130 Mỹ
Máy bay vận tải C-130 Mỹ

Theo hợp đồng này, Không quân Mỹ sẽ nhận được 30 máy bay MC-130J, 13 máy bay HC-130J và 29 máy bay tăng tầm C-130J-30; Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tiếp nhận 6 máy bay KC-130J, còn Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ sẽ nhận được 5 máy bay C-130J. Công tác bàn giao sẽ bắt đầu từ năm 2016, kết thúc vào năm 2020.

Trước đó, ngày 30/12/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố hợp đồng 32 máy bay dòng C-130 trị giá trên 1 tỷ USD, bao gồm 13 máy bay C-130J-30, 5 máy bay HC-130J, 11 máy bay MC-130J, 3 máy bay KC-130J và 1 máy bay HC-130J. Trong đó, HC-130J mua cho Lực lượng bảo vệ bờ biển.

Vào tháng trước, phi đội cứu viện 71 Không quân Mỹ đã nhận được 1 máy bay HC-130J. Chiếc máy bay này là máy bay dòng C-130 thứ 2.500 do Công ty Lockheed Martin sản xuất.

Được biết, phiên bản đầu tiên C-130 bay lần đầu tiên vào ngày 23/8/1954, chính thức trang bị ngày 9/12/1957. Đến năm 2009 có trên 2.300 máy bay vận tải C-130 được sản xuất.

Chiếc máy bay vận tải C-130 thứ 2.500 Mỹ
Chiếc máy bay vận tải C-130 thứ 2.500 Mỹ

Mặc dù đã 50 năm, nhưng C-130 vẫn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế, do nó có các tính năng ưu việt như tính cơ động rất tốt, cất cánh dã chiến tốt ở các sân bay có đường băng ngắn.

C-130 còn có thể chế tạo nhiều phiên bản khác nhau, từ vận chuyển vũ khí, binh sĩ, hàng hóa đến tiếp dầu trên không, tuần tra bờ biển, tìm kiếm cứu nạn, cứu hỏa, nghiên cứu khoa học, thậm chí có cả cường kích tấn công đối đất.

Phiên bản mới nhất C-130J Super Hercules được Quân đội Mỹ đặt mua có nhiều cải tiến mới như động cơ mạnh hơn, tiết kiệm hơn, có thể chở nhiều binh sĩ và hàng hóa hơn.

Theo các nguồn tin, hiện đã có hơn 60 quốc gia sử dụng máy bay vận tải C-130 với trên 40 phiên bản, trong đó có 15 quốc gia đã sử dụng phiên bản mới nhất. Còn Quân đội Mỹ đã trang bị 250 máy bay C-130J và đã đặt mua tiếp phiên bản này.

Gần đây, hãng tin Reuters Anh dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, Pháp dự định mua máy bay vận tải C-130 để thay thế các máy bay vận tải quân sự A-400M.

Máy bay vận tải A400M của hãng Airbus
Máy bay vận tải A400M của hãng Airbus

Nguồn tin không tiết lộ chi tiết hợp đồng và thời gian thực hiện hợp đồng, nhưng một số nguồn tin khác cho rằng, việc bàn giao C-130 sẽ bắt đầu từ năm 2017.

Trước đó, Pháp có kế hoạch mua máy bay vận tải hạng nặng A-400M của hãng Airbus, nhưng kế hoạch bị hủy bỏ do một chiếc A-400M đã bị rơi ngay sau khi cất cánh từ sân bay ở Seville, Tây Ban Nha vào tháng 5/2015.

C-130J là một loại máy bay vận tải hạng trung với thông số kỹ thuật cơ bản là: dài 34,36 m, sải cánh 40,41 m, cao 11,84 m, vận tốc tối đa 671 km/giờ, tầm bay 5.250 km, trần bay 12.310 m.

C-130J đã trang bị hệ thống điện tử hàng không mạnh hơn, đã chuyển sang lắp động cơ AE-2100D3 của hãng Rolls-Royce, vì vậy tốc độ bay, khoảng cách tác chiến đều được cải thiện, tải trọng cũng lớn hơn, có thể đạt 33 tấn trở lên, như có thể chở 92 nhân viên hoặc 62 lính hàng không.

Ngoài tham gia nhiệm vụ quân sự, C-130J thường dùng cho nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo và các hành động đặc biệt. 

Máy bay vận tải C-130 Mỹ
Máy bay vận tải C-130 Mỹ
Đông Bình