Muốn có lòng tin Trung Quốc phải thể hiện không "thống trị láng giềng"

19/08/2013 07:01
Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)
(GDVN) - Để giảm bới lo ngại từ các thành viên ASEAN, Bắc Kinh phải chứng minh rằng họ hỗ trợ ASEAN nhưng không có hy vọng sẽ thống trị láng giềng. Đối với ASEAN cần có sự khôn ngoan trong hợp tác với Trung Quốc trong khi khéo léo làm việc với các nước lớn khác.
Học giả Singapore Simon Tay.
Học giả Singapore Simon Tay.
Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Singapore được mời đến nói chuyện tại các diễn đàn cấp cao ASEAN - Trung Quốc được tổ chức tại Thái Lan đã có bài phân tích quan hệ ASEAN - Trung Quốc trên Bưu điện Hoa Nam.
Ông cho rằng sự gia tăng căng thẳng trên Biển Đông đã làm thay đổi quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ chỗ hợp tác tới những cuộc xung đột tiềm tàng. Tuy nhiên hai phía đã bắt đầu khởi động quá trình tham vấn bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông. Philippines và Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình đàm phán đầy đủ COC thay vì chỉ dừng lại ở "tham vấn". Tuy nhiên Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị xem điều này là "vội vã". Theo Simon Tay, một điểm trung gian mà các bên có thể chấp nhận được là thỏa thuận về việc thông báo trước các hành động. Tuy nhiên ngày nay trên thực tế vẫn tồn tại nhiều áp lực đối với các bên. Manila gần đây củng cố lực lượng hải quân của mình bằng cách sắm thêm một tàu tuần tra lớp Hamilton cũ của Mỹ trong khi Trung Quốc vẫn cứ tăng cường hiện đại hóa và chi tiêu cho quân sự. Những tiếng nói than phiền giới chức Bắc Kinh "quá mềm mỏng" trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng của những người theo chủ nghĩa dân tộc tiếp tục lan tràn trên mạng internet tại Trung Quốc. Muốn xung đột được ngăn chặn thì các hoạt động tham vấn về Biển Đông phải được thúc đẩy, quan trọng hơn nữa là cấn nhấn mạnh sự thận trọng trong giao lưu thường ngày giữa các cơ quan quân sự, công vụ các nước (trên Biển Đông). Có những vấn đề vượt lên trên những căng thẳng ở Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc có thể cùng hợp tác, ví dụ như cơ sở hạ tầng và đầu tư để kết nối 2 thực thể kinh tế. Tuy nhiên những biện pháp tích cực sẽ không dễ để thực hiện. Trung Quốc ngày nay khiến nhiều quốc gia láng giềng trong khối ASEAN lo lắng. Để giảm bới lo ngại từ các thành viên ASEAN, Bắc Kinh phải chứng minh rằng họ hỗ trợ ASEAN nhưng không có hy vọng sẽ thống trị láng giềng. Đối với ASEAN cần có sự khôn ngoan trong hợp tác với Trung Quốc trong khi khéo léo làm việc với các nước lớn khác. Điều này sẽ rất quan trọng đối với hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sắp tới do ASEAN tổ chức tại Brunei nhằm mục đích đối thoại thẳng thắn và xây dựng lòng tin chiến lược trong khu vực Thái Bình Dương, nhưng nó chỉ thành công khi các bên được chào đón và tham gia như nhau. Quan hệ đối tác kinh tế sẽ gắn kết tất cả khu vực châu Á, bao gồm cả Ấn Độ, Úc và New Zealand, nó chỉ có thể thúc đẩy hội nhập khu vực khi các nền kinh tế lớn, bao gồm Trung Quốc thực hiện cam kết. ASEAN và Trung Quốc cần phải xem hợp tác với nhau là cần thiết chứ không phải 1 tùy chọn.

Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)