Hãng tin ABC, Australia ngày 3/10 cho hay, sự hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên Biển Đông. Đô đốc về hưu Dennis Blair, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nhận định như vậy.
Ông không tin Hoa Kỳ hay Trung Quốc muốn đi đến chiến tranh để chấm dứt sự khác biệt. Nhưng cả hai đang bị kẹt vào thế đối đầu làm cho họ gần như không thể đạt được một thỏa hiệp.
Trung Quốc đòi "bảo kê" gần 90% diện tích Biển Đông bên trong phạm vi đường lưỡi bò và đòi "chủ quyền" đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Ông Dennis Blair nói rằng, yêu sách của Trung Quốc là không thể chấp nhận được đối với Mỹ. Bế tắc tạo ra tình huống không bên nào muốn nhượng bộ, nguy cơ xung đột có thể leo thang theo thời gian.
Cựu Đô đốc Dennis Blair, ảnh: csmonitor.com |
Cựu Đô đốc hải quân Mỹ cho hay, nếu chiến tranh xảy ra thì quân đội Mỹ chỉ cần 10 đến 15 phút là có thể vô hiệu hóa các tiền đồn quân sự Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. [1]
Còn Stars and Stripes, Hoa Kỳ ngày 2/10 dẫn lời các chuyên gia nhận định, Biển Đông đã trở thành điểm nóng giữa nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng của Hoa Kỳ với tham vọng quân sự của Trung Quốc.
Sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông công bố hôm 12/7 giữa Philippines và Trung Quốc, Bắc Kinh ngày càng thách thức luật pháp và trật tự quốc tế.
Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận Phán quyết Trọng tài. Trong tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc còn kêu gọi nước này chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc "chiến tranh nhân dân trên biển".
Mohan Malik, một chuyên gia về Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu nhận định:
"Đây là một trò chơi địa chính trị lâu dài. Nó không phải về các đảo đá, rặng san hô, cũng không phải về lịch sử hay Phán quyết Trọng tài. Đó là tương lai của trật tự khu vực.
Trung Quốc không muốn đi đến chiến tranh với Hoa Kỳ. Họ sẽ làm mọi thứ để tránh đi đến chiến tranh với Mỹ, nhưng dưới ngưỡng này họ sẽ tiếp tục chọc ngoáy, khiêu khích các đồng minh và đối tác của Mỹ, ví dụ như Nhật Bản và Việt Nam, để giữ điểm sôi".
Nhận định thứ hai của Malik nhận được sự chia sẻ của hầu hết các nhà phân tích cũng như Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. [2]
Nguồn