Mỹ đổi chiến lược kiểm soát ngoài khơi kiềm chế Trung Quốc

09/10/2013 15:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Chiến lược này tập trung vào việc ngăn chặn các tuyến đường vận chuyển năng lượng và hàng hóa trong các trường hợp khẩn cấp thông qua các đồng minh của Mỹ. Kiểm soát ngoài khơi về cơ bản là một chiến lược ngăn chặn hải quân.
Ông Ngô Thắng Lợi (phải), Tư lệnh Hải quân Trung Quốc thăm Mỹ.
Ông Ngô Thắng Lợi (phải), Tư lệnh Hải quân Trung Quốc thăm Mỹ.
Tờ Yomiuri Shimbun ngày 9/10 phân tích, ngày 6/9 ba tàu chiến Trung Quốc đã ghé thăm trụ sở Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii và tham gia 1 cuộc tập trận chung. Sau đó 9/9 Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc thăm Mỹ trong khi tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller đã hội đàm với Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.
Các cuộc họp và tập trận chung này là một phần của nỗ lực mới nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ thông qua trao đổi và đối thoại quân sự cấp cao. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích tin rằng những nỗ lực như vậy sẽ chỉ mất thời gian bởi vì những khác biệt rất lớn giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tồn tại. Trong chuyến công du Mỹ ngày 19/8 của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ông Thường Vạn Toàn, trong khi ông chủ Lầu Năm Góc Chuck Hagel tập trung vào tầm quan trọng của việc thiết lập sự tin cậy lẫn nhau giữa quân đội 2 nước thì ông Toàn phát biểu: "Không ai nên nghĩ rằng Trung Quốc sẽ từ bỏ lợi ích cốt lõi của mình. Và đừng ai đánh giá thấp quyết tâm của chúng tôi để bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền và các quyền hàng hải của chúng tôi." Ngay từ năm 2011 sách trắng quốc phòng Trung Quốc đã xác định 6 lĩnh vực lợi ích quốc gia mà Bắc Kinh khẳng định sẽ không bao giờ đàm phán, trong đó có chủ quyền - an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Trước đây thuật ngữ "lợi ích cốt lõi" chủ yếu áp dụng cho các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và sau này là Biển Đông. Trung Quốc đã tuyên bố công khai rằng họ sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ cái gọi là lợi ích quốc gia cốt lõi của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này bà Hoa Xuân Oánh cũng đã công khai xếp Senkaku/Điếu Ngư là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Trong một báo cáo đưa ra ngày 26/8, một cơ quan tư vấn cho Quốc hội Mỹ đã dự báo, đến năm 2020 Trung Quốc sẽ có đội tàu ngầm, tàu chiến với số lượng lớn nhất thế giới. Thời điểm này khả năng công nghệ của Trung Quốc tương đương trình độ công nghệ năm 2013 của Nga và tới năm 2030 công nghệ Trung Quốc ngang ngửa trình độ công nghệ Mỹ thời điểm 2013. Đối mặt với hải quân Trung Quốc phát triển nhanh chóng, ban đầu chính phủ Tổng thống Obama sử dụng học thuyết chiến thuật không - biển (ASB) để đối phó, bao gồm khả năng tấn công từ các căn cứ quân sự bên ngoài phạm vi của tên lửa và máy bay Trung Quốc. Nhưng khó khăn về tài chính sau khi Quốc hội Mỹ tìm cách cắt giảm chi tiêu cho quốc phòng khiến việc triển khai ASB kho khăn hơn do chi phí khá lớn liên quan đến việc phát triển và duy trì tên lửa tầm xa. Một học thuyết mới ra đời - kiểm soát ngoài khơi hiện đang thu hút sự chú ý. Học thuyết này do Viện nghiên cứu An ninh quốc gia thuộc không quân Hoa Kỳ đề xuất. Chiến lược này tập trung vào việc ngăn chặn các tuyến đường vận chuyển năng lượng và hàng hóa trong các trường hợp khẩn cấp thông qua các đồng minh của Mỹ. Kiểm soát ngoài khơi về cơ bản là một chiến lược ngăn chặn hải quân. Cụ thể, chiến lược này tập trung bảo vệ chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ phía Nam đảo Kyushu qua Nansei đến Philippines để ngăn chặn hải quân Trung Quốc tham gia các hoạt động bên ngoài hàng rào này. Nếu thành công nó sẽ có tác động rất lớn đối với Trung Quốc đang phải nhập khẩu lượng lớn dầu thô thông qua đường biển. Kiểm soát ngoài khơi cũng đòi hỏi chi phí thấp hơn ASB. Chiến lược tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn tiếp tục mặc dù cắt giảm chi phí quốc phòng. Tư lệnh Hải quân Mỹ đã nhấn mạnh rằng ngay cả trong những tình huống khẩn cấp ở Trung Đông hoặc các khu vực khác thì Mỹ sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình ở châu Á. Vì lợi ích an ninh quốc gia, Nhật Bản không có sự lựa chọn nào khác là phải dựa vào chiến lược quân sự của Mỹ.
Hồng Thủy