Mỹ gạt Trung Quốc khỏi tập trận RIMPAC vì quân sự hóa Biển Đông

24/05/2018 07:54
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực, hành vi này không phù hợp với nguyên tắc, mục đích của RIMPAC.

Business Insider ngày 24/5 đưa tin, Lầu Năm Góc đã gạt Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận chung đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vì hoạt động quân sự hóa Biển Đông.

RIMPAC được tổ chức 2 năm một lần, sẽ diễn ra trong tháng Sáu này với hơn 20 quốc gia. 

Trung Quốc đã từng được mời tham dự trong những lần trước, nhưng Mỹ đã rút lại lời mời Bắc Kinh trong năm nay như một phản ứng với hành động quân sự hóa Biển Đông.

Tàu chiến Mỹ thường xuyên hiện diện ở Biển Đông, chống lại các hành vi bành trướng, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, ảnh minh họa: SCMP.
Tàu chiến Mỹ thường xuyên hiện diện ở Biển Đông, chống lại các hành vi bành trướng, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, ảnh minh họa: SCMP.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Christopher Logan đã nói thẳng điều này:

"Việc Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa vùng biển tranh chấp ở Biển Đông chỉ gây thêm rắc rối và làm mất ổn định khu vực.

Để phản ứng với hành động của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, chúng tôi đã (quyết định) không mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018.

Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC.

Chúng tôi có bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không (SAM) và các thiết bị tác chiến điện tử đến các cấu trúc tranh chấp ở Trường Sa, Biển Đông."

Ông Tập Cận Bình quan sát cuộc duyệt binh, tập trận trên Biển Đông trong tháng Tư 2018, ảnh: SCMP.
Ông Tập Cận Bình quan sát cuộc duyệt binh, tập trận trên Biển Đông trong tháng Tư 2018, ảnh: SCMP.

Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Tư 23/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết:

"Chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại nhất quán về việc quân sự hóa Biển Đông. Tôi sẽ để cho quân đội chúng ta nói về những nỗ lực của họ với nhau."

Ông Vương Nghị đáp lời:

"Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ thay đổi những suy nghĩ tiêu cực như vậy. Cả Trung Quốc và Mỹ đều là những nước lớn và có thể hợp tác lớn hơn trên biển.

Các cuộc tập trận như RIMPAC có thể giúp tạo ra sự tin cậy lẫn nhau, hướng tới hòa bình thế giới, trong khi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ là phòng thủ."

Ông Nghị cho rằng, Mỹ có rất nhiều vũ khí quân sự ở Thái Bình Dương như Guam hay Hawaii, trong khi triển khai của Trung Quốc ở Biển Đông "quy mô nhỏ hơn nhiều" so với Mỹ. [1]

CNN ngày 23/5 (24/5 giờ Hà Nội) dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, quyết định rút lại lời mời Trung Quốc tham dự RIMPAC do Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đưa ra sau khi tham vấn Nhà Trắng. [2]

Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông. Ảnh minh họa: SCMP.
Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông. Ảnh minh họa: SCMP.

Tuyên bố của Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc cho máy bay ném bom H-6K cất hạ cánh (bất hợp pháp) trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) đã làm gia tăng căng thẳng.

Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc lập tức gỡ bỏ các hệ thống vũ khí đã cài đặt ở Biển Đông và dừng việc quân sự hóa vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.

Phát biểu trong buổi thảo luận của Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung tuần này, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Eurasia Group, Evan Medeiros cho biết:

Trung Quốc đã sử dụng các thủ đoạn và công cụ dưới ngưỡng xung đột vũ trang để ép buộc các quốc gia khác, cuối cùng thực hiện các tuyên bố của họ ở Biển Đông, bất chấp nó có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không.

Điều đó đã tạo ra rất nhiều phản ứng trên một phần nước Mỹ và Đông Á, làm gia tăng tình trạng khó khăn về an ninh. Mức độ khó khăn này sẽ gia tăng trong khoảng 10 năm tới.

Đầu tháng này, Nhà Trắng cho biết họ đã chuẩn bị các biện pháp chống lại quân sự hóa Biển Đông sau khi Trung Quốc kéo tên lửa ra các tiền đồn (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa.

Trong khi đó các nhà lập pháp Mỹ đang thúc đẩy dự luật thắt chặt giám sát việc Trung Quốc mua hàng công nghệ cao của Mỹ với lo ngại Bắc Kinh đang phá hoại an ninh quốc gia Mỹ. [3]

Nguồn:

[1]http://www.businessinsider.com/us-south-china-sea-dispute-military-exercise-2018-5

[2]https://edition.cnn.com/2018/05/23/politics/us-china-military-drills/index.html

[3]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2147482/us-disinvites-china-pacific-rim-military-exercise

Hồng Thủy