Mỹ hỗ trợ Việt Nam loại trừ các bệnh Nhiệt đới bị lãng quên

08/09/2011 17:08
Phương Linh
(GDVN) - Chương trình phòng chống Giun chỉ bạch huyết (chân voi) và Đau mắt hột đã được thực hiện thành công ở Việt Nam trong 10 năm qua
Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Việt Nam đã khởi đầu một hoạt động mới cho các bước tiếp theo nhằm khống chế và loại trừ các bệnh Nhiệt đới bị loãng quên (NTD) bao gồm Giun chỉ bạch huyết, Đau mắt hột, và Giun sán.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear.
“Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong việc phòng chống các bệnh NTD”, Đại sứ David Shear phát biểu tại cuộc họp với các chuyên gia y tế do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. “Những thành công này có thể và cần phải được tổng hợp và chia sẻ nhằm giúp các nước khác cũng đạt đựợc các kết quả tương tự”.

Chương trình phòng chống Giun chỉ bạch huyết (chân voi) và Đau mắt hột đã được thực hiện thành công ở Việt Nam trong 10 năm qua. Theo Tổ chức Y tế Thế giới Việt Nam chuẩn bị tiến đến các bước cuối cùng nhằm khẳng định việc loại trừ Giun chỉ bạch huyết và Đau mắt hột vào các năm 2014 và 2016. Thêm vào đó các bệnh giun sán, giun truyền qua đất và giun truyền qua thức ăn vẫn là các vấn đề lớn về y tế công cộng cần phải được theo sát.

Nhằm rà soát lại các thông tin cập nhật về các bệnh này và kêu gọi hợp tác quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam đã tổ chức cuộc họp các nhà tài trợ trong hai ngày để bàn về chương trình loại trừ Giun chỉ bạch huyết và Đau mắt hột cùng với việc hỗ trợ các hoạt động tẩy giun.

Cũng trong chương trình hợp tác với Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương và Bộ Y tế, USAID sẽ hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường và mở rộng các nỗ lực quốc gia, bao gồm một loạt các hoạt động điều tra, đánh giá trọng điểm và tập huấn chăm sóc bệnh nhân chân voi – bước cuối cùng trước khi được chứng nhận loại trừ.

USAID sẽ hỗ trợ Bộ Y tế điều phối các hoạt động tẩy giun và san lấp các khoảng trống trên diện bao phủ. Hoạt động của USAID bao gồm điều tra quốc gia về tỉ lệ nhiễm trong trẻ em ở lứa tuổi học sinh và uống thuốc đại trà trên 13 tỉnh.

Phương Linh