Mỹ hoan nghênh Nhật Bản tuần tra thường xuyên ở Biển Đông

30/01/2015 08:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Điều máy bay tuần tra Biển Đông sẽ cho phép Nhật Bản làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quân sự với các nước trong khu vực để đối phó với sức mạnh hải quân...
Đô đốc Robert Thomas.
Đô đốc Robert Thomas.

Reuters ngày 29/1 đưa tin, một sĩ quan cấp cao hải quân Hoa Kỳ nói với hãng thông tấn này, Washington sẽ chào đón hoạt động tuần tra mở rộng của Nhật Bản xuống vùng trời Biển Đông, hành động được xem như đối trọng với hoạt động (bất hợp pháp) của lực lượng tàu Trung Quốc ngày càng đông đảo thúc đẩy yêu sách (vô lý, phi pháp) trên Biển Đông.

Các máy bay giám sát Nhật Bản tuần tra Hoa Đông sẽ mở rộng các chuyến tuần tra xuống Biển Đông gần như chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa 2 cường quốc Đông Á. Tuy nhiên Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy hải quân hàng đầu của Mỹ tại châu Á nói: "Tôi nghĩ rằng các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực sẽ tìm đến người Nhật nhiều hơn nữa với vai trò giữ gìn ổn định".

"Trên Biển Đông thẳng thắn mà nói, hạm đội tàu cá, tàu tuần tra và tàu hải quân Trung Quốc luôn mạnh hơn các nước láng giềng", Thomas cho biết. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters, họ không có bình luận gì về nội dung này. Ý kiến của Đô đốc Thomas thể hiện sự ủng hộ của Lầu Năm Góc đối với chiến lược của Thủ tướng Shinzo Abe để Nhật Bản có thể đóng vai trò quân sự tích cực hơn trong khu vực.

Điều này rất quan trọng vì Mỹ và Nhật Bản đang đàm phán về phương hướng hợp tác an ninh song phương, dự kiến sẽ giúp Nhật Bản có vai trò lớn hơn trong liên minh 70 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II. "Tôi nghĩ rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hoạt động ở Biển Đông có ý nghĩa trong tương lai", Đô đốc Thomas cho biết.

Thủ tướng Nhật Bản đang thúc đẩy chiến dịch sửa đổi luật pháp vào cuối năm nay cho phép quân đội Nhật Bản hoạt động tự do hơn ở nước ngoài nhờ giải thích mới rộng hơn của quyền tự vệ trong Hiến pháp. Những thay đổi này phù hợp với động thái Nhật Bản sẽ triển khai máy bay tuần tra biển P-1 với bán kính hoạt động 8000 km, gấp đôi bán kính máy bay tuần tra hiện tại. Nó sẽ cho phép Nhật Bản thúc đẩy giám sát sâu hơn với Biển Đông.

Grant Newsham, một nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược cho rằng đây là kết quả hợp lý trong chính sách của ông Abe thúc đẩy xây dựng một quân đội mạnh mẽ và chủ động hơn. Điều máy bay tuần tra Biển Đông sẽ cho phép Nhật Bản làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quân sự với các nước trong khu vực để đối phó với sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc.
"Cái gọi là đường chín đoạn không dựa trên thông lệ quốc tế cũng như bất kỳ tiêu chuẩn nào của pháp luật đã tạo ra một tình huống không cần thiết", Đô đốc Thomas nói.

The Diplomat ngày 30/1 bình luận, triển vọng các cuộc tuần tra của Nhật Bản trên bầu trời Biển Đông và các hoạt động tiềm năng khác có vẻ nhằm chống lại âm mưu của Bắc Kinh muốn đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không trong khu vực. Nhật Bản sẽ theo đuổi hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông như Việt Nam và Philippines.

Hồng Thủy