Mỹ sẽ rót tiền xây cảng Oyster để giám sát Trung Quốc ở Trường Sa

07/11/2013 14:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Washington đã cam kết tài chính có giới hạn cho dự án xây dựng quân cảng mới tại Oyster trích từ nguồn vốn dự phòng của Lầu Năm Góc. Kế hoạch xây dựng cảng Oyster được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu sử dụng cảng đang tăng lên nhanh chóng tại Subic, đặc biệt từ khi các tàu chiến Mỹ lại thả neo tại đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Tổng thống Philippines Aquino.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Tổng thống Philippines Aquino.
Al Labita, một nhà báo Philippines ngày 7/11 có bài trên Asia Times Online đánh giá, cảng Oyster đang được xây dựng cách quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khoảng 160 km sẽ là một "viên ngọc chiến lược" trong quan hệ Mỹ - Philippines. Nằm cách Manila gần 600 km về phía Tây Nam, các công nhân đang xây dựng một con đường nối vào vịnh Oyster thuộc đảo Palawan, một thắng cảnh du lịch lớn, nhưng dự án không nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài mà là biến nơi này thành một quân cảng Subic mini. Cũng giống như cảng Subic ở phía Bắc Manila là một cơ sở quân sự lớn của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, vịnh Oyster bao gồm một cảng tự nhiên nước sâu có khả năng đón các tàu lớn kể cả chiến hạm. Đáng chú ý, cảng Oyster hướng trực tiếp ra quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino đã phân bổ khoảng 500 triệu Peso, tương đương 12 triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu cho cảng Oyster với cầu cảng, ụ tàu và xưởng sửa chữa tàu. Quân cảng Oyster dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016, đúng thời điểm năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 6 năm của ông Aquino.
Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và vị trí Philippines, Mỹ xây quân cảng Oyster nhìn từ Google Maps.
Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và vị trí Philippines, Mỹ xây quân cảng Oyster nhìn từ Google Maps.
Khi căng thẳng với Trung Quốc bùng lên ở Biển Đông, Aquino đã dành 1,8 tỉ USD cho hiện đại hóa quân đội, bao gồm cả hạng mục nâng cấp cảng Subic và xây dựng cảng Oyster. Cho đến nay Washington đã cam kết tài chính có giới hạn cho dự án xây dựng quân cảng mới tại Oyster trích từ nguồn vốn dự phòng của Lầu Năm Góc. Kế hoạch xây dựng cảng Oyster được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu sử dụng cảng đang tăng lên nhanh chóng tại Subic, đặc biệt từ khi các tàu chiến Mỹ lại thả neo tại đây. Mặc dù các cuộc đàm phán quân sự song phương giữa Manila - Washington gần đây bị đình trệ do những bất đồng khác nhau bao gồm quyền lắp đặt hệ thống radar hải quân, nhưng Philippines dự kiến sẽ phát triển quân cảng Oyster bất chấp một thỏa thuận chiến lược mới với Mỹ có đạt được hay không.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong phiên hội đàm với người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong phiên hội đàm với người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin.
Tuần trước, Philippines cũng mở thầu mua tàu khu trục mới trị giá 18 tỉ Peso, vụ mời thầu này đã thu hút sự quan tâm của 11 nhà cung cấp đến từ Ý, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Manila cũng đã công bố kế hoạch mua 5 tàu tuần tra từ Pháp với chi phí khoảng 90 triệu Euro (khoảng 116 triệu USD) cũng như các tàu hải quân đa năng của Hàn Quốc. Trong khi một số quan chức Philippines đã ngần ngại trước khả năng quân đội Mỹ được phép tiếp cận quân cảng mới ở Oyster thì những người khác nói rằng Washington đang xây dựng một tiền đồn chỉ huy ở Oyster để giám sát Biển Đông. Các hệ thống radar được thiết kế đặc biệt để giám sát các hoạt động (bất hợp pháp) của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông là một phần trong kế hoạch của Philippines cho phép tàu chiến, máy bay quân đội Mỹ dễ đàng truy cập một số lượng lớn các doanh trại quân đội và các căn cứ quân sự Philippines. Mặc dù pháp luật Philippines cấm thành lập các căn cứ quân sự nước ngoài thường trú trên lãnh thổ của họ, nhưng Washington đã tìm thấy kẽ hở luật pháp cho "một nơi không phải căn cứ" để tăng cường sự hiện diện và thúc đẩy lợi ích địa chính trị của mình ở Biển Đông trong mối tương quan với Trung Quốc.

Hồng Thủy