Mỹ triển khai Osprey tại Nhật khiến Trung Quốc lo ngại

03/10/2012 06:24
Bảo Thành (Nguồn: Thời báo Nhật Bản)
(GDVN) - Panetta cho rằng loại máy bay này “rất quan trọng để bảo vệ Nhật Bản” vì nó có tốc độ gấp đôi, tải trọng gấp ba và tầm bay gấp bốn lần trực thăng CH-46.
Tờ Thời báo Nhật Bản ngày 02/10 đưa tin, 6 chiếc máy bay MV-22 Osprey của Mỹ đã rời căn cứ Iwakuni ở Yamaguchi tới sân bay Futenma ở thành phố Ginowa, Okinawa vào hôm thứ Hai, và ba chiếc nữa được đưa tới Iwakuni hôm thứ Ba.

Máy bay MV-22 Osprey
Máy bay MV-22 Osprey

Loại máy bay cất hạ cánh thẳng đứng Osprey này ưu việt hơn nhiều so với trực thăng CH-46 mà quân Mỹ hiện đang sử dụng tại căn cứ Futenma.

Trung Quốc hiện đang rất lo ngại về lập trường của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng nhóm đảo Senkaku nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, đồng nghĩa với việc Mỹ có trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp các vùng lãnh thổ thuộc quyền tài phán của Nhật Bản bị tấn công.

Theo các nguồn tin ở Bộ Quốc phòng Nhật Bản, việc triển khai máy bay Osprey thay thế cho trực thăng CH-46 này sẽ càng đổ thêm dầu vào lửa và khiến Bắc Kinh tức giận hơn.

Hồi cuối tháng 7 đã có tổng cộng 12 chiếc Osprey được chuyển từ Mỹ tới căn cứ Iwakuni trước khi được triển khai ở Futenma.

Trong buổi họp báo tổ chức ở Tokyo hồi giữa tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng: “Máy bay Osprey sẽ cho phép chúng tôi tiến hành có hiệu quả hơn các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn và hoàn thành các vai trò quan trọng khác đối với quan hệ liên minh Mỹ - Nhật.”

Huấn luyện nhảy dù bằng máy bay Osprey
Huấn luyện nhảy dù bằng máy bay Osprey

Panetta cho rằng loại máy bay này “rất quan trọng để bảo vệ Nhật Bản” vì nó có tốc độ gấp đôi, tải trọng gấp ba và tầm bay gấp bốn lần trực thăng CH-46.

Bán kính tác chiến của Osprey là khoảng 600 km, lớn hơn rất nhiều so với bán kính tác chiến 140 km của CH-46. Điều này có nghĩa là Osprey có thể vươn tới đảo Uotsuri nằm trong nhóm đảo Senkaku cách Okinawa 410 km. Gần đây, tàu công vụ của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại khu vực này.

Theo các nguồn tin quân sự Mỹ, máy bay Osprey có thể tiếp liệu trên không, và với một lần tiếp liệu sẽ tăng bán kính tác chiến lên 1100 km, đủ để vươn tới Seoul, Đài Loan và các khu vực duyên hải Hoa Đông của Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải, nơi có căn cứ quan trọng của hải quân Trung Quốc.

Sau khi triển khai xong ở Futenma, máy bay Osprey sẽ được sử dụng để tiến hành các nhiệm vụ huấn luyện bay đêm tầm thấp và vận chuyển quân với giả định là các tình huống khẩn cấp ở eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.
Bảo Thành (Nguồn: Thời báo Nhật Bản)