Narendra Modi: Mọi trẻ em Ấn Độ đều biết Nga là người bạn lớn

16/12/2014 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Đã có nhiều cuộc thảo luận về mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Moscow và Bắc Kinh, tuy nhiên có rất ít bàn tán về quan hệ Nga - Ấn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Trang ECFR của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu ngày 15/12 bình luận, chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai khẳng định quan hệ hợp tác hữu nghị lâu đời giữa Ấn Độ và Nga ngay cả khi phương Tây tiếp tục tìm cách cô lập Moscow sau vụ sáp nhập Crimea và khủng hoảng ở Đông Ukraine.

Trong hội nghị thượng đỉnh này, Putin và Narendra Modi đã ký một loạt thỏa thuận lớn: Nga giúp Ấn Độ xây dựng 12 lò phản ứng hạt nhân, ký hợp đồng cung cấp dầu cho Ấn Độ trong 10 năm và 2 nước sẽ hợp tác sản xuất 400 máy bay trực thăng quân sự Ka-226.

Hội nghị thượng đỉnh Putin - Modi đã minh họa sức mạnh của mối quan hệ Nga - Ấn và tiềm năng để làm suy yếu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga. Kể từ sau khi sáp nhập Crimea vào Nga, đã có nhiều cuộc thảo luận về mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Moscow và Bắc Kinh, tuy nhiên có rất ít bàn tán về quan hệ Nga - Ấn.

New Delhi và Moscow là "đồng minh trên thực tế" từ trước thời Chiến tranh Lạnh. Quan hệ Nga - Ấn dựa trên ý thức hệ, những cân nhắc chính trị và an ninh sau đó đã được chính thức hóa trong hiệp ước Hòa bình hữu nghị năm 1971. Ấn Độ đặc biệt phụ thuộc vào Nga, ví dụ như vai trò của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong nhiều thập kỷ đã có sự tương tác mạnh mẽ giữa các ngành khoa học và công nghiệp hai nước cũng như các tầng lớp chính trị.

Bởi vậy sự sụp đổ của Liên Xô là một cú sốc chiến lược đối với Ấn Độ. Chính sách đối ngoại của Ấn Độ thời kỳ hậu Liên Xô được nhà phân tích nước này, C. Raja Mohan cho là "tang thương". Thời đại Yeltsin, quan hệ Nga - Ấn xấu đi khi New Delhi tìm cách thích nghi với không gian hậu Chiến tranh Lạnh. Nhưng khi ông Putin nhậm chưc Tổng thống vào năm 2000, mối quan hệ Nga - Ấn đã được hồi sinh.

Vẫn có một chiều sâu ấm áp trong mối quan hệ giữa Moscow và New Delhi. Mùa hè năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được cho là đã nói rằng, mọi trẻ em Ấn Độ đều biết Nga là người bạn lớn.

Hợp tác quân sự là trụ cột của quan hệ Nga - Ấn. Hình minh họa.
Hợp tác quân sự là trụ cột của quan hệ Nga - Ấn. Hình minh họa.

Mối quan hệ hợp tác chuyển giao vũ khí đặc biệt thân thiết và là yếu tố quan trọng để tái lập quan hệ chặt chẽ giữa Ấn Độ và Nga hậu Chiến tranh Lạnh. Vào giữa những năm 1990, Nga cung cấp cho Ấn Độ một loạt vũ khí tiên tiến, bao gồm các chiến đấu cơ Su-30. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm, Ấn Độ hiện là khách hàng vũ khí lớn trên thế giới, chiếm 38% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga từ 2009 đến 2013, trong khi Trung Quốc chiếm 12%.

Trung cùng thời gian này, Nga đã đáp ứng 75% nhu cầu nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ. Ngoài ra hai nước còn phát triển các liên doanh công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 5. Bên cạnh năng lượng, vũ khí là một trong vài mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh quốc tế của Nga. Đó là lý do tại sao Moscow tìm cách tăng doanh thu từ công nghiệp vũ khí để bù đắp một phần thất thu từ xuất khẩu năng lượng đã trầm trọng thêm bởi sự sụt giảm giá dầu.

Như vậy việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ có thể giúp tối đa hóa các nỗ lực chống lại tác động của các biện pháp phương Tây trừng phạt Nga. Mặc dù New Delhi cũng tiếp cận với nguồn cung vũ khí từ EU và Mỹ, nhưng đã có những giới hạn về những gì phương Tây có thể sẵn sàng bán cho New Delhi. Ấn Độ mua tàu ngầm hạt nhân Nga vì phương Tây không sẵn sàng chia sẻ công nghệ tiên tiến này. Một nhà ngoại giao Ấn Độ cho biết, nếu Mỹ cung cấp, New Delhi sẽ sẵn sàng đón nhận nó.

Ngoài ra, Nga có thể tìm cách cân bằng sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc trong tương lai bằng cách phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, thậm chí là với Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 đồng minh hiệp ước của Mỹ. Như vậy Ấn Độ có thể trở nên quan trọng hơn với Nga trong tương lai. Nếu phương Tây muốn ngăn chặn mối quan hệ Nga - Ấn thì không có cách nào khác ngoài việc nâng quan hệ với Ấn Độ và gạt Nga ra ngoài. Hợp tác quốc phòng với Ấn Độ bao gồm xuất khẩu vũ khí có thể là một cách. Pháp có lẽ có thể bán cho Ấn Độ 2 tàu đổ bộ.

Hồng Thủy