Nếu thấy bị đe dọa, Nhật Bản sẽ giáng đòn phủ đầu

15/02/2013 13:00
Hồng Thủy (Nguồn: Reuters)
(GDVN) - "Khi một ý định tấn công Nhật Bản lộ rõ, mối đe dọa sắp xảy ra thì Nhật Bản không có lựa chọn nào khác là đánh đòn phủ đầu chống lại mối uy hiếp từ đối phương", Bộ trưởng Itsunori Onodera nói
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (nguồn: VOA)
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (nguồn: VOA)
Reuters ngày 14/2 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hôm qua 14/2 đã cho hay, nước này có quyền và có khả năng thực hiện cuộc tấn công giáng đòn phủ đầu vào đối phương một khi phát hiện thấy Nhật Bản bị uy hiếp bởi một cuộc tấn công từ bên ngoài trong bối cảnh an ninh Đông Á đầy biến động, mặc dù Tokyo chưa có kế hoạch cụ thể. "Khi một ý định tấn công Nhật Bản lộ rõ, mối đe dọa sắp xảy ra thì Nhật Bản không có lựa chọn nào khác là đánh đòn phủ đầu chống lại mối uy hiếp từ đối phương", Bộ trưởng Itsunori Onodera nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh: "Với môi trường chính trị của Nhật Bản hiện nay và xu thế ngoại giao hòa bình như đã thấy, hiện tại không phải là thời gian chuẩn bị cho một khả năng như vậy. Nhưng chúng ta cần phải quan sát cẩn thận các thay đổi trong môi trường an ninh khu vực." Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 của mình vào ngày 12/2 vừa qua, Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu và ngay cả đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng là Trung Quốc cũng đều lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân lần này của Bình Nhưỡng. Ông Onodera nói rằng Nhật Bản cần phải tăng cường phòng thủ bằng lực lượng tên lửa đạn đạo của mình để đối phó với các mối uy hiếp từ Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm xa và hạt nhân buộc Tokyo phải cải thiện năng lực tương ứng. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã từ chối cho biết trong trường hợp cấp bách nào thì Nhật Bản sẽ tháo dỡ lệnh cấm áp dụng quyền tự vệ tập thể hoặc cần đến sự trợ giúp của một đồng minh khi bị tấn công. Onodera cũng thúc giục Trung Quốc tham gia cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc thắt chặt các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh thiết lập đường dây nóng quân sự song phương để ngăn chặn bất kỳ khả năng đụng độ nào có thể xảy ra giữa 2 nước ngoài Senkaku trên Biển Hoa Đông. "Hiện đã có một thỏa thuận sơ bộ giữa Nhật Bản và Trung Quốc để thiết lập một cơ chế thông tin liên lạc hàng hải", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết, "Cơ chế sẽ bao gồm các cuộc họp hàng năm, các cuộc họp chuyên gia, đường dây nóng giữa lãnh đạo cao cấp và thông tin liên lạc trực tiếp giữa tàu, máy bay".
Hồng Thủy (Nguồn: Reuters)