Nga cố gắng lấp khoảng trống căn cứ quân sự ở nước ngoài hậu Xô Viết

18/02/2015 14:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu tàu Nga đang triển khai tại một nơi gần lãnh thổ Cu Ba, nó có thể tấn công Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Tờ Pravda ngày 17/2 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng ông không cho phép phương Tây có được ưu thế quân sự đe dọa Nga, Moscow sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, phát triển lực lượng không gian, hải quân và không quân tầm xa.

Hải quân Nga có kế hoạch trang bị 2 tàu ngầm hạt nhân mới, tuy nhiên Nga thiếu một hệ thống các căn cứ quân sự bị mất sau sự sụp đổ của Liên Xô. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cố gắng để lấp khoảng trống này trong chuyến công du đến Mỹ Latin từ hôm 11 đến 14/2.

Ông đã thảo luận với những người đồng cấp về các vấn đề hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quân sự, chẳng hạn nhưng cung cấp vũ khí, đào tạo nhân lực và tiến hành tập trận chung nhằm đẩy lùi các hành động gây hấn.

Đáng chú ý theo Pravda, Venezuela, Nicaragua và Cu Ba là thành viên của khối cánh tả ALBA coi "đế quốc Mỹ" là mối đe dọa lật đổ chính phủ trên các quốc gia này nhằm thiết lập chế độ thân Hoa Kỳ. Kết quả của các chuyến thăm này đã không được tiết lộ, mặc dù nó có thể mở ra chuyến thăm của Tổng thống Putin đến các nước nói trên để ký kết các thỏa thuận đầy đủ.

Tại Nicaragua, một thỏa thuận liên chính phủ được ký kết cho phép các tàu hải quân Nga ra vào cảng của Nicaragua với thủ tục đơn giản hơn. Thỏa thuận khác về đào tạo chuyên gia cho Nicaragua tại các trường đại học Nga cũng đã được ký. Venezuela sẵn sàng cung cấp "hải cảng thân thiện" của mình chào đón các tàu hải quân Nga.

Moscow sẵn sàng tổ chức tập trận chung các nước này, trong đó có sử dụng nhiều máy phóng rocket. Máy bay không quân Nga có thể sớm được hạ cánh tại một trong số 3 nước này một ngày nào đó. Khi hội kiến nhà lãnh đạo Cu Ba Raul Castro tại Havana, Sergei Soigu nói rằng mối quan hệ quân sự song phương phát triển mang tính xây dựng.

Ông bày tỏ lòng biết ơn của Nga với Cu Ba cho các tàu quân sự của mình cập cảng Havana. Tàu quân sự tình báo điện tử Victor Leonov của Nga đã đến thăm Cu Ba trong tháng Giêng 2015 và một vài lần năm ngoái. Hai bên đã đồng ý đào tạo chuyên gia Cu Ba tại Nga, đây là một lĩnh vực rất quan trọng. Điều này đánh dấu sự trở lại của hệ thống liên minh quân sự Xô Viết giữa Nga và Mỹ Latin.

Chiến lược dài hạn này áp đặt nghĩa vụ về việc Nga cung cấp cho các đồng minh ở châu Mỹ - Latin các loại vũ khí mới tiên tiến, bao gồm hệ thống phòng không, máy bay và tàu chiến. Những vấn đề này đã được thảo luận ở Nicaragua. Moscow sẽ bắt đầu điều pháo hạm tuần tra ở Managua trong nửa cuối năm 2016 như một phần cứng trong gói cung cấp của Nga ký với Nicaragua năm ngoái.

Hơn nữa theo Pravda, nếu Nga bán hoặc có kế hoạch bán tên lửa S-300 và S-400 cho Bắc Kinh hay Tehran, tại sao lại không thể bán cho Managua, Caracas và Havana? Brazil gần đây đã mua hệ thống tên lửa phòng không di đông Pantsir S-1 và Igla MANPADs tổng cộng 955 triệu USD. Hợp đồng mua Pantsir S1 sẽ được ký vào tháng 7/2015, theo Bộ Quốc phòng Brazil.

Hệ thống này sẽ phục vụ bảo vệ dinh Tổng thống, các nhà máy chiến lược, các thiết bị quốc phòng và hàng không vũ trụ, căn cư tàu ngầm và nhà máy đóng tàu hải quân Nitaguai.

Ngày 30/1 tướng Valery Gerasimov cho biết tại Moscow rằng, Nga đang lên kế hoạch tổ chức hội đàm lần đầu tiên với các quan chức quân sự Brazil, Việt Nam, Cu Ba và Triều Tiên để triển khai một số hoạt động tập trận hải quân - không quân chung. Brazil rất quan trọng đối với Nga. Nga không thể cưỡng lại Hoa Kỳ ở Mỹ Latin, nhưng Moscow có thể làm "một cái gì đó".

Vladimir Yevseyev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách công nói với Pravda, thông qua lãnh thổ Nicaragua Nga đã lên kế hoạch xây dựng một kênh mới song song với kênh đào Panama. Trong trường hợp này các tàu của hạm đội Nga sẽ có thể vào vịnh Mexico, thoát khỏi Thái Bình Dương vào Đại Tây Dương.

Điều này rất quan trọng vì trong trường hợp này Nga có thể đảm bảo được cái gọi là răn đe hạt nhân, bởi vì các lực lượng hải quân Nga có tên lửa hành trình tầm xa. Nếu tàu Nga đang triển khai tại một nơi gần lãnh thổ Cu Ba, nó có thể tấn công Hoa Kỳ.

Đây là phản ứng của Moscow về việc Mỹ triển khai lực lượng quân sự gần biên giới Nga. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục hành xử theo cách tương tự, có lẽ Nga sẽ thực hiện các bước tiếp theo để tiếp tục công việc của căn cứ quân sự Lourdes. Chuyên gia này cho rằng Hoa Kỳ khá dễ bị tổn thương trong trường hợp này.

Cuối cùng họ có thể tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa ở Florida chứ không phải Alaska, tất cả các vấn đề phát sinh đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. Trong khi người Mỹ nghĩ rằng Cu Ba sẽ rơi vào vòng tay họ, thì người Cu Ba cho rằng Mỹ sẽ phải rút khỏi căn cứ quân sự Guantanamo đầu tiên.

Hồng Thủy