Nga sẽ có lá chắn tiểu hành tinh vào cuối năm 2013

13/03/2013 09:13
Thùy Tươi ( Nguồn RIA)
(GDVN) - Nga sẽ hoàn tất kế hoạch xây dựng hệ thống phòng chống các mối đe dọa từ vũ trụ vào cuối năm 2013, Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Nga, ông Vladimir Puchkov cho biết hôm 12/3.

Kế hoạch này được đưa ra sau vụ thiên thạch từ vũ trụ lao xuống vùng Urals của Nga hôm 15/2. Sức công phá của vụ nổ thiên thạch này đã làm nhiều cửa sổ vỡ tan, hàng ngàn các tòa nhà xung quanh thành phố Chelyabinsk bị hư hỏng và hơn 1.500 người bị thương.


Kính thiên văn siêu mạnh sẽ được sử dụng để phát hiện các vật thể không gian nguy hiểm.
Kính thiên văn siêu mạnh sẽ được sử dụng để phát hiện các vật thể không gian nguy hiểm. 

"Chương trình xây dựng hệ thống phòng thủ chống các mối đe dọa từ vũ trụ sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay và chúng tôi sẽ bắt đầu thực hiện từng bước một. Chương trình này sẽ bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm và các khóa học đào tạo khẩn cấp,” ông Puchkov cho biết.
Vladimir Popovkin, người đứng đầu Cơ quan không gian Liên bang Nga (Roscosmos) đã đề xuất một cơ quan liên bang phụ trách việc phát triển một hệ thống nhằm  ngăn chặn các mối đe dọa tiểu hành tinh. Ông cho biết thêm rằng, cho đến nay các hoạt động của các cơ quan thiếu sự phối hợp và không có một cơ chế điều hành thống nhất.
Ông Popovkin cho biết, Viện khoa học Nga chịu trách nhiệm việc phát triển hệ thống giám sát các mối đe dọa tiểu hành tinh. Trong khi đó Roscosmos sẽ chịu trách nhiệm giám sát mảnh vỡ không gian và Bộ Ngoại giao đảm nhận vấn đề chống hiểm họa từ vũ trụ giữa các nước.
Phát biểu trong một phiên họp của Hội đồng Liên bang tức Thượng viện Quốc hội Nga, ông Popovkin cho biết, Cơ quan không gian liên bang Nga (Roscosmos) hiện đang cố gắng để xác định và phân loại các vật thể không gian có khả năng gây nguy hiểm.
Giám đốc Học viện nghiên cứu thiên văn thuộc Viện hàn lâm khoa học Boris Shustov cho biết kính thiên văn siêu mạnh sẽ được sử dụng để phát hiện các vật thể không gian nguy hiểm. 
Đặc biệt, ông cho biết Nga cần phải phát triển hệ thống kính thiên văn  góc rộng cỡ lớn AZT-33 gần hồ Baikal với chi phí 500 triệu rúp (khoảng 17 triệu USD).
Ông Shustov lưu ý rằng thiên thạch phát nổ ở Chelyabinsk hồi tháng Hai thậm chí không thuộc loại các vật thể nguy hiểm. Nếu như thiên thạch này bay vào bầu khí quyển tại một quỹ đạo dốc hơn,  hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính thiên thạch này có đường kính khoảng 15 mét khi bay vào bầu khí quyển, di chuyển với tốc độ gấp nhiều lần vận tốc của  âm thanh và phát nổ thành một quả cầu lửa sáng hơn cả Mặt trời.
Thùy Tươi ( Nguồn RIA)