Nga và Cuba hợp tác quân sự

01/12/2011 07:59
Theo Báo Người Lao Động
Việc phục hồi hợp tác quân sự giữa Nga và Cuba có thể khiến mối quan hệ Nga - Mỹ lún sâu vào khủng hoảng hơn nữa
Việc phục hồi hợp tác quân sự giữa Nga và Cuba có thể khiến mối quan hệ Nga - Mỹ lún sâu vào khủng hoảng hơn nữa

Trong bối cảnh mối quan hệ Nga-Mỹ trở nên căng thẳng liên quan đến vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (NMD), Nga đã quyết định phục hồi mối hợp tác về quân sự với Cuba, đất nước vẫn đang trong tình trạng xung đột với Mỹ và nằm bên cạnh nước này.

Chuyển giao công nghệ

Báo Kommersant khẳng định Nga khôi phục mối quan hệ hợp tác với Cuba trong lĩnh vực cung cấp vũ khí. Công ty Xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga đã soạn thảo xong một hợp đồng mua bán, trong đó bao gồm cả việc chuyển giao giấy phép và công nghệ sử dụng đạn dược cho Cuba.

Hai bên đang chuẩn bị ký hợp đồng mua bán công nghệ sản xuất loại đạn 7,62mm mẫu hình năm 1943 cho súng máy Kalashnikov và đạn súng trường cùng cỡ.

Một nguồn tin ở Bộ Công nghiệp Nga xác nhận từ lâu Cuba đã quan tâm đến việc mua công nghệ sản xuất đạn dược của Nga. Năm ngoái, Cuba đã gửi đơn đặt hàng cho Công ty Rosoboronexport.

Sự việc xảy ra sau khi giới chức Cuba đến thăm nhà máy sản xuất đạn dược ở Venezuela do Nga xây dựng từ năm 2006.
Cuba đang muốn Nga giúp hiện đại hóa quân đội của nước này. Ảnh: REUTERS
Cuba đang muốn Nga giúp hiện đại hóa quân đội của nước này. Ảnh: REUTERS
Về lâu dài, phía Nga nhiều khả năng sẽ hiện đại hóa nhà máy sản xuất đạn ở Cuba, đã được hình thành cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, nơi các chuyên gia Liên Xô đã trực tiếp làm việc. Ngày 29-11, một nguồn tin gần gũi với Rosoboronexport xác nhận thông tin trên nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ của Nga, ông Konstantin Makiyenko, nhận định rằng tất cả công nghệ mà Cuba đã mua của Liên Xô trước đây đều cần phải được hiện đại hóa. Ông này nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, Cuba cần phải thay thế tất cả. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn tài chính, Cuba buộc phải bắt đầu hiện đại hóa quân đội từ các loại vũ khí hạng nhẹ”.

Nga chọc giận Mỹ?


Đến đầu thập niên 1990, Cuba đã là một trong những bạn hàng vũ khí lớn nhất của Nga. Trong giai đoạn 1961-1991, số lượng vũ khí và kỹ thuật quân sự Liên Xô cung cấp cho Cuba có tổng trị giá 16 tỉ USD.

Cuba đã nhận được các loại xe tăng T-55 và T-62, xe bọc thép, các tổ hợp tên lửa phòng không, các loại máy bay chiến đấu Mig-29, Mig-23, Mig-21, trực thăng, tàu ngầm, tàu chiến, vũ khí các loại, cùng những phương tiện liên lạc và kỹ thuật.

Tuy nhiên, sự hợp tác của Nga với Cuba trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự đã bị gián đoạn năm 2001 sau khi Nga đóng cửa căn cứ quân sự Lourdes và chỉ được khôi phục năm 2008 khi một phái đoàn của lực lượng phòng không Nga đến Cuba.

Khi đó, hai bên đã thảo luận khả năng hiện đại hóa kỹ thuật quân sự đã lạc hậu của Cuba và bảo đảm việc cung cấp các bộ phận thay thế.

Các chuyên gia nhận định rằng việc phục hồi sự hợp tác quân sự của Nga với Cuba có thể khiến mối quan hệ Nga-Mỹ lún sâu hơn nữa vào khủng hoảng. Đầu mùa thu vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế đối với Cuba đến tháng 9-2012.

Còn Công ty Quốc phòng TsNIITochMash - nhà thiết kế và sản xuất vũ khí chính cho quân đội Nga - đã lọt vào danh sách đen của chính quyền Mỹ. Từ năm 1999-2004, công ty này và một loạt công ty của Nga đã bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vì cung cấp cho Syria các tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet-E và Metis-M.

Theo Báo Người Lao Động