GÓC NHÌN:

Nghi ngờ nhau, Mỹ tự đẩy Pakistan về phía Trung Quốc

28/09/2011 14:45
Chấn Hưng (tổng hợp)
(GDVN) - Các nhà phân tích cho rằng, nếu Mỹ không sớm thay đổi chính sách, không gian chiến lược của Mỹ ở Tây Á sẽ sớm về tay người Trung Quốc.

Hôm thứ 3, Pakistan đã cảnh báo Mỹ phải ngừng ngay những nghi ngờ về việc nước này chơi con bài hai mặt với các chiến binh Hồi giáo và ca ngợi hết lời về “người bạn thân thiết” Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin Reuters, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani cho biết mọi hành động quân sự đơn phương của Mỹ nhằm săn lùng các chiến binh thuộc mạng lưới Haqqani trong lãnh thổ Pakistan đều là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền.

Khi được hỏi về quan hệ với Mỹ, ông cho biết Pakistan sẽ phải...  không làm gì để cải thiện quan hệ với Mỹ trong bối cảnh hiện nay.

Nếu để mất Pakistan, Mỹ sẽ mất một không gian chiến lược quan trọng ở Tây Á vào tay Trung Quốc
Nếu để mất Pakistan, Mỹ sẽ mất một không gian chiến lược quan trọng ở Tây Á vào tay Trung Quốc

Việc Đô đốc Mike Mullen, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ tuần trước mô tả mạng lưới Haqqani, một phe nhóm Hồi giáo cực đoan của Taliban ở Afganishtan là một “cánh tay súng vũ trang” của cơ quan tình báo ISI Pakistan và cáo buộc Islamabat đã hỗ trợ cho nhóm này trong cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Kabul hôm 13/9 đã làm sứt mẻ nghiêm trọng mối quan hệ vốn đã gặp nhiều sóng gió kể từ khi Mỹ đơn phương hạ gục Osama Bin laden ngay trong lãnh thổ Pakistan.

“Đây là một thông điệp tiêu cực, nó làm dấy lên những lo ngại đối với người dân nước tôi”, Thủ tướng Gilani nói. “Đây không phải là một thông điệp mà những người bạn gửi cho nhau và nó rất khó để thuyết phục được ngược dân nước tôi. Họ cần phải gửi đến một thông điệp tích cực hơn”.

Ngay khi Đô đốc Mike Mullen có những phát biểu trên, Pakistan đã lập tức phát đi một cuộc phản công ngoại giao và công khai kêu gọi sự ủng hộ từ người đồng minh thân cận nhất khu vực – Trung Quốc. Các quan chức Pakistan đã hết lời ca ngợi Trung Quốc và mối quan hệ Trung Quốc – Pakistan khi Bộ trưởng Công an nước này tới thăm Islamabad hôm Thứ hai để tiến hành các vòng đàm phán cấp cao.

“Chúng tôi là những người bạn thật sự và chúng tôi tin tưởng nhau”, Thủ tướng Gilani phát biểu công khai trên truyền hình nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Trung Quốc tới nước này.

Quân đội, lực lượng quyền lực nhất Pakistan, cho biết họ đánh giá rất cao sự ủng hộ của Bắc Kinh. Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan đã bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng Công an Trung Quốc vì “những trợ giúp quý báu” mà nước này dành cho Islamabad.

Trung Quốc và Pakistan được coi là “những người bạn luôn sẵn sàng sát cánh bên nhau trong mọi điều kiện khó khăn, hưng thịnh” và càng được củng cố hơn trước mối đe dọa từ sự lớn mạnh không ngừng của Ấn Độ cùng sự can dự sâu rộng của Mỹ trong khu vực.

“Pakistan đang nỗ lực dùng mọi biện pháp ngoại giao để giảm sức ép của Mỹ. Họ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng này”, nhà phân tích an ninh Hasan Askari Rizvi nói.

Khi được hỏi tại sao bỗng nhiên Mỹ không tiếc lời chỉ trích Pakistan như vậy, nhà phân tích Rizvi cho biết, đó là sự phản ánh nỗi tức giận của Washington trước tình cảnh khó khăn trong cuộc chiến ở Afganishtan mà trước mắt là quân đội Mỹ phải rút khỏi nước này vào năm 2014.

“Chắc chắn họ đã kỳ vọng rất nhiều vào tình hình ở Afganishtan, nhưng hiện vẫn chưa thể đạt được điều mình muốn”, ông nói, “họ vẫn chưa đạt được những gì mà họ hình dung là sẽ có”.

Bác bỏ cáo buộc rằng Pakistan có liên quan đến các cuộc xung đột dọc khu vực biên giới, nhà phân tích này cho biết, “Pakistan cũng co lợi ích khi tình hình Afganishtan ổn định”.

Thủ tướng Pakistan Gilani: "Làm sao tôi giải thích được với người dân nước tôi là Mỹ thân Pakistan chứ không phải thân Ấn Độ?"
Thủ tướng Pakistan Gilani: "Làm sao tôi giải thích được với người dân nước tôi là Mỹ thân Pakistan chứ không phải thân Ấn Độ?"

Thủ tướng Gilani cho biết chính Washington đã làm khó mình khi tiến hành hợp tác hạt nhân dân sự với Ấn Độ mà không phải là Pakistan.

“Hiện nay Pakistan đang rất thiếu điện, và nhiều cuộc nổi dậy cũng xuất phát từ nguyên nhân chính phủ không có đủ điện cho dân dùng”, ông nói. “Nhưng Mỹ lại không hợp tác phát triển điện hạt nhân với Pakistan mà đi hợp tác với Ấn Độ. Giờ làm sao tôi thuyết phục được người dân nước tôi là họ (Mỹ) là bạn bè của chúng tôi, không phải là bạn bè của Ấn Độ?”.

Khi được hỏi về phát biểu này của Thủ tướng Gilani, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói, “Mỹ không bao giờ đặt quan hệ Mỹ - Ấn Độ và Mỹ - Pakistan lên bàn cân. Chúng tôi cần thiết lập mối quan hệ thân thiết, chặt chẽ với cả hai”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ: "Chúng tôi chưa bao giờ đặt quan hệ Mỹ - Pakistan, Mỹ - Ấn Độ lên bàn cân"
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ: "Chúng tôi chưa bao giờ đặt quan hệ Mỹ - Pakistan, Mỹ - Ấn Độ lên bàn cân"

Phần lớn người dân Pakistan tin rằng sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đã bắt tay với Ấn Độ mà không đoái hoài gì đến Pakistan. Ngay hôm thứ Ba vừa rồi, hàng trăm người dân Pakistan đã tập trung biểu tình chống Mỹ trên nhiều thành phố ở nước này.

Theo các nhà phân tích, Mỹ đang dần đẩy Pakistan về phía Trung Quốc. Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan nếu không được cải thiện, một không gian chiến lược quan trọng của Mỹ ở Tây Á đang dần rơi vào vòng ảnh hưởng của người khổng lồ Trung Quốc.

Chấn Hưng (tổng hợp)