Ngoại trưởng G7 phản đối đe dọa bạo lực trên biển

16/04/2015 10:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Tuy nhiên Nhật Bản đã không thành công trong nỗ lực tìm kiếm sự đảm bảo ủng hộ của châu Âu trong trường hợp xảy ra sự cố.
Tàu hải cảnh Trung Quốc tìm cách xâm nhập vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát. Ảnh: SCMP.
Tàu hải cảnh  Trung Quốc tìm cách xâm nhập vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát. Ảnh: SCMP.

South China Morning Post ngày 16/4 đưa tin, Ngoại trưởng 7 nước công nghiệp phát triển còn gọi là G7 đã thông qua một tuyên bố chung về an ninh hàng hải lần đầu tiên sau những nỗ lực thuyết phục của Nhật Bản, làm tăng áp lực yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động leo thang bành trướng trên biển.

Ngoại trưởng các nước G7 đã nhóm họp tại thành phố Lubeck phía Bắc nước Đức. Kết thúc cuộc họp ngày hôm qua, tuyên bố chung hội nghị Ngoại trưởng G7 đã ủng hộ duy trì an ninh hàng hải, phản đối bất kỳ nỗ lực nào khẳng định yêu sách chủ quyền - hàng hải thông qua việc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng hoạt động trên Biển Đông, Hoa Đông. Tài liệu tham khảo dày 6 trang được trình lên hội nghị này đã khái quát tình hình tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Hoa Đông, cướp biển Somalia, buôn người và cách thức chia sẻ thông tin.

Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, là thành viên G7 duy nhất đến từ châu Á, Nhật Bản đã nỗ lực thuyết phục G7 có tuyên bố chính thức về an ninh hàng hải, hướng sự chú ý của G7 vào Biển Đông và Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang ngày càng hung hăng tranh chấp với các quốc gia láng giềng.

"Nếu Nhật Bản không làm điều đó tại G7 thì ai sẽ làm?", quan chức này nói. Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier chủ trì cuộc họp tại Lubeck đã phát biểu trong họp báo: Nhật Bản sẽ là nước đăng cai hội nghị G7 năm tới và rất quan tâm đến việc đưa vấn đề an ninh hàng hải vào chương trình nghị sự.

Tuy nhiên Nhật Bản đã không thành công trong nỗ lực tìm kiếm sự đảm bảo ủng hộ của châu Âu trong trường hợp xảy ra sự cố phát sinh trong tranh chấp lãnh thổ với một Trung Quốc hung hăng, Tsuruoka, một nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu quốc phòng ở Tokyo nói. Ông cho rằng Nhật Bản cần tiếp tục làm việc để G7 gửi thông điệp đến Trung Quốc.

Hồng Thủy