Ngoại trưởng Indonesia nỗ lực hàn gắn ASEAN về biển Đông

19/07/2012 06:52
Hồng Thủy
(GDVN) - Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã chỉ thị cho Ngoại trưởng nước này thực hiện chuyến công du sang một số nước thành viên ASEAN để tìm kiểm giải pháp xử lý những mâu thuẫn nội khối xung quanh vấn đề biển Đông
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa vừa rời khỏi Manila ngày 18/7 để tiếp tục chuyến công du con thoi vận động các đối tác thành viên ASEAN nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho biển Đông, một vấn đề đang gây ra sự rạn nứt trong khu vực.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook

Ngoại trưởng Indonesia và Philippines trao đổi về việc đoàn kết nội khối ASEAN trong vấn đề biển Đông
Ngoại trưởng Indonesia và Philippines trao đổi về việc đoàn kết nội khối ASEAN trong vấn đề biển Đông

Ông Marty Natalegawa có chuyến công du một số nước thành viên ASEAN bao gồm Philipines, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Singapore và sẽ kết thúc chuyến công du con thoi này vào thứ Năm. Dừng chân tại Hà Nội hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Indonesia nói với phóng viên Reuters:

“Thật không may, tuần trước đã có một số khó khăn, nhưng tôi tin rằng những gì đã diễn ra tại Phnom Penh là một ngoại lệ, nó không phải một quy tắc. Chúng ta hãy nhìn nó theo cách đó – một ngoại lệ”.

Theo Ngoại trưởng Marty Natalegawa, mục đích cuối cùng trong những nỗ lực của Indonesia là làm cho ASEAN có một tiếng nói đối với vấn đề biển Đông. Ông sẽ cố gắng thuyết phục Campuchia với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN hàn gắn các rạn nứt nội khối về vấn đề biển Đông.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho hay, Campuchia đã thất bại trong việc “giả mạo” một sự đồng thuận để dẫn đến kết cục ASEAN không ra được thông cáo chung. “Đó là một tổn hại nghiêm trọng đối với úy tín của ASEAN và càng làm gia tăng sự mơ hồ trong nội dung thảo luận của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức tại Campuchia tháng 11 năm nay”.

Ngoại trưởng Singapore: Campuchia đã thất bại trong việc giả mạo sự đồng thuận nội khối ASEAN dẫn tới kết cục lần đầu tiên trong 45 năm lịch sử, ASEAN không ra được tuyên bố chung
Ngoại trưởng Singapore: Campuchia đã thất bại trong việc giả mạo sự đồng thuận nội khối ASEAN dẫn tới kết cục lần đầu tiên trong 45 năm lịch sử, ASEAN không ra được tuyên bố chung

>> Cập nhật thông tin từ Facebook

Ngoại trưởng các nước ASEAN vừa tham gia những cuộc thảo luận căng thẳng hồi tuần trước (AMM) tại Phnom Penh về việc hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ đối phó với các tranh chấp lãnh thổ nhạy cảm và kéo dài như thế nào.

Kết quả lần đầu tiên trong 45 năm lịch sử hội nghị đã không ra được tuyên bố chung. “Mục đích của chúng tôi là tạo ra các thông tin liên lạc chuyên sâu hơn và tìm kiếm một sự tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên khối ASEAN về vấn đề biển Đông. Tôi hy vọng các đối tác đều mong muốn sẽ được truyền đạt tất cả quan điểm của họ”, Ngoại trưởng Indonesia cho biết.

Ông Marty Natalegawa cho biết ông cũng đã nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario vào hôm thứ Hai để trao đổi về kế hoạch này. Việc ASEAN phải có giải pháp đối với những bất đồng là vô cùng quan trọng, “nếu chúng ta không làm gì, chúng ta biết thiệt hại sẽ lớn hơn”.

Theo đó, các cuộc đối thoại sẽ là chìa khóa duy trì ổn định khu vực. “Nếu các quan điểm mất đi tính đa dạng thì ASEAN có thể bị suy yếu một cách tai hại vì chia rẽ”, Ngoại trưởng Indonesia cho biết thêm.

Ngoại trưởng Indonesia: ASEAN không làm gì (về vấn đề biển Đông), thiệt hại sẽ lớn hơn
Ngoại trưởng Indonesia: ASEAN không làm gì (về vấn đề biển Đông), thiệt hại sẽ lớn hơn

>> Cập nhật thông tin từ Facebook

Mặc dù Indonesia không còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN trong thời gian này, nhưng theo Ngoại trưởng Marty Natalegawa, Indonesia vấn muốn hành động như là một thành viên có trách nhiệm của khối ASEAN.

Thứ Hai vừa rồi Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã chỉ thị cho Ngoại trưởng nước này thực hiện chuyến công du sang một số nước thành viên ASEAN để tìm kiểm giải pháp xử lý những mâu thuẫn nội khối xung quanh vấn đề biển Đông.

Phát biểu trong một buổi nói chuyện, Tổng thống Yudoyono nói rằng ông là nhà lãnh đạo của một trong các quốc gia thành viên sáng lập ASEAN, ông đã thất vọng và thực sự lo ngại về thất bại của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua tại Phnom Penh.

Trong khi Ngoại trưởng Marty Natalegawa đang công du một số nước thành viên ASEAN để vận động đoàn kết nội khối giải quyết vấn đề biển Đông thì Tổng thống nước này đã chia sẻ quan điểm và những thành công đạt được của Indonesia trong việc giúp giải quyết xung đột trong nước và quốc tế tại một diễn đàn ở Jakarta hôm thứ Ba.

Tổng thống Indonesia bày tỏ sự thất vọng và lo ngại về kết quả hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua, đồng thời chỉ thị cho Ngoại trưởng nước này lập tức công du thực hiện sứ mệnh hàn gắn, kết nối các thành viên ASEAN thống nhất quan điểm về biển Đông, COC
Tổng thống Indonesia bày tỏ sự thất vọng và lo ngại về kết quả hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua, đồng thời chỉ thị cho Ngoại trưởng nước này lập tức công du thực hiện sứ mệnh hàn gắn, kết nối các thành viên ASEAN thống nhất quan điểm về biển Đông, COC

>> Cập nhật thông tin từ Facebook

Trong số những khán giả tham dự buổi nói chuyện của Tổng thống Indonesia có cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, cựu Tổng thống Đông Timo Jose Ramos-Horta và cựu Phó thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.

“Trong những năm 1990, Indonesia đã hỗ trợ việc giải quyết hòa bình các cuộc xung đột ở miền Nam Philippines. Indonesia là nước đầu tiên có thể nói chuyện với tất cả các bên tranh chấp trên biển Đông và làm cầu nối cho tất cả các quốc gia thành viên ASEAN có thể đàm phán song phương phi chính thức”, Tổng thống Indonesia cho biết.

“Gần đây Indonesia đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán tranh chấp biên giới Thái Lan – Campuchia, đồng thời chúng tôi tích cực hỗ trợ sự chuyển đổi dân chủ tại Myanmar, và Indonesia sẽ tiếp tục làm như vậy”.

Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia cũng nhấn mạnh, việc tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột không phải lúc nào cũng dễ dàng. “Mỗi cuộc xung đột đều có đặc trưng riêng của nó, các cuộc xung đột khác nhau đòi hỏi các giải pháp khác nhau”.

Khách mời đặc biệt trong buổi nói chuyện của Tổng thống Indonesia về vai trò của nước này trong việc giải quyết mâu thuẫn, xung đột về biển Đông, từ trái qua: cựu Phó thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, cựu Tổng thống Đông Timo Jose Ramos-Horta
Khách mời đặc biệt trong buổi nói chuyện của Tổng thống Indonesia về vai trò của nước này trong việc giải quyết mâu thuẫn, xung đột về biển Đông, từ trái qua: cựu Phó thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, cựu Tổng thống Đông Timo Jose Ramos-Horta


>> Cập nhật thông tin từ Facebook

Động thái của Indonesia là một tín hiệu đáng mừng, nó cho thấy trong cuộc đấu tranh của các bên liên quan chống lại âm mưu của Bắc Kinh muốn độc chiếm biển Đông, chính nghĩa luôn được ủng hộ, những nỗ lực của Indonesia lúc này là hết sức cần thiết và đáng quý, rất đáng trân trọng.

Mặc dù Bắc Kinh luôn tìm mọi cách để chia rẽ nội khối ASEAN, và ít nhiều thông qua chiêu bài viện trợ kinh tế, dùng tiền để làm lệch hướng một số nước thành viên ASEAN khỏi quỹ đạo thống nhất của toàn khối đã "phát tác", nhưng một thực tế đã chứng minh, không phải thành viên nào của ASEAN cũng tham tiền.

Tổng thống Indonesia hào hứng chia sẻ với các vị khách mời đặc biệt trong "Talk show" về vai trò của Indonesia trong tranh chấp biển Đông
Tổng thống Indonesia hào hứng chia sẻ với các vị khách mời đặc biệt trong "Talk show" về vai trò của Indonesia trong tranh chấp biển Đông

Việc thuyết phục Campuchia thể hiện đúng đắn vai trò của một Chủ tịch luân phiên ASEAN bằng cách tôn trọng ý kiến số đông, đưa vấn đề biển Đông và Trung Quốc gây căng thẳng vào trong nghị trình, tuyên bố chung trong các hội nghị của ASEAN chắc chắn sẽ không dễ dàng, và nhiều khả năng không thành hiện thực.

Nhưng phản ứng kịp thời, quyết liệt, đúng đắn, đồng thuận của các thành viên còn lại, có tranh chấp cũng như không có tranh chấp là điều hết sức cần thiết. Nó sẽ cho bất kỳ thành viên nào thấy rằng, họ sẽ tự tách khỏi cuộc chơi và đánh mất vai trò của mình trong ngôi nhà chung ASEAN nếu chỉ tham lợi ích trước mắt, và món quà nào của Bắc Kinh cũng có giá của nó, như người Mỹ vẫn nói, miếng ngon thường nằm trên bẫy chuột.

>> Cập nhật thông tin từ Facebook

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy