Người Hy Lạp bác bỏ tối hậu thư của các chủ nợ

06/07/2015 06:57
Nguyễn Hường
(GDVN) - Kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại Hy Lạp cho thấy hơn 61% trong số 93% số phiếu được kiểm nói "không" với thỏa thuận giải cứu của Ủy ban châu Âu (EC), ECB và IMF

Tính tới 19 giờ địa phương ngày 6/7, kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại Hy Lạp cho thấy hơn 61% trong số 93% số phiếu được kiểm nói "không" với các thỏa thuận giải cứu do Ủy ban châu Âu (EC), ECB và IMF đề xuất. 

Người Hy Lạp bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 5/7. Ảnh Rian.
Người Hy Lạp bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 5/7. Ảnh Rian. 

Điều này đồng nghĩa với việc là người dân Hy Lạp không chấp thuận việc tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ của họ đưa ra như một điều kiện để tiếp tục cung cấp cho Athens các gói cứu trợ nhằm giải cứu nền kinh tế đang ở bờ vực phá sản cũng như việc gia hạn các khoản nợ hàng tỷ USD đã đến lúc thanh toán.

So với những dự đoán trước đó, kết quả thăm dò này đã nằm trên cả sự mong đợi của những người ủng hộ giải pháp cắt bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng và là một tin buồn đối với EC. 

Hàng ngàn người đã đổ xuống quảng trường Suntagma ở phía trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp ngay trong tối ngày 5/7 để ăn mừng kết quả bỏ phiếu. Tuy nhiên, họ cũng bày tỏ hy vọng rằng các chủ nợ của đất nước vẫn tiếp tục giúp đỡ Athens dù kết quả trưng cầu đi ngược lại với mong muốn của họ.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã bày tỏ sự hoan nghênh trước kết quả bỏ phiếu sơ bộ và nói rằng chính phủ của ông đã sẵn sàng quay trở lại ngay lập tức bàn đàm phán với các chủ nợ để các ngân hàng của mình có thể mở cửa trở lại sau một tuần ngừng hoạt động. Ông cũng ca ngợi những người chọn ô "không" trong lá phiếu là "vô cùng dũng cảm".

Thủ tướng Tsipras cũng cho biết, ưu tiên hàng đầu hiện nay của Hy Lạp là khôi phục lại hệ thống ngân hàng và sự ổn định kinh tế. 

Trưởng đoàn đàm phán của Hy Lạp, Euclid Tsakalotos cho rằng, kết quả của cuộc trưng cầu có thể giúp Hy Lạp đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ EU-IMF một cách nhanh chóng.

Các quan chức Hy Lạp xác nhận sẽ không thảo luận về sự ra đời của một loại tiền tệ song song với đồng euro để trấn an các lo ngại Athens sẽ rời bỏ eurozone sau cuộc trưng cầu.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Sigmar Gabriel bình luận, kết quả của cuộc trưng cầu đã "xé những cây cầu cuối cùng mà Hy Lạp và châu Âu có thể đi tới một thỏa hiệp", đồng thời lên án chính phủ Tsipras đang dẫn nhân dân mình đi vào con đường bị bỏ rơi, thất vọng.

Tuy nhiên Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni kêu gọi EU tiếp tục tìm kiếm thỏa thuận với Hy Lạp, mặc dù phần lớn người dân của Athens từ chối các điều khoản cứu trợ của Troika.

Kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp ngay sau khi được công bố đã làm đồng euro sụt giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ. Theo RT, đồng euro đã giảm 1,4% so với USD và 2,1% so với đồng Yên của Nhật Bản.

Nguyễn Hường