Người Nhật có thể học được gì từ Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc?

29/07/2015 07:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Người Việt nam không bao giờ cúi đầu quá thấp. Ngược lại, người Việt thường khiến các cường quốc cúi đầu...
Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc khi còn là Ngoại trưởng từng tuyên bố trước hội nghị với các nước ASEAN rằng, Trung Quốc là nước lớn, các bên yêu sách khác ở Biển Đông là nước nhỏ.
Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc khi còn là Ngoại trưởng từng tuyên bố trước hội nghị với các nước ASEAN rằng, Trung Quốc là nước lớn, các bên yêu sách khác ở Biển Đông là nước nhỏ.

Đa Chiều ngày 27/7 đăng lại bài bình luận "Tại sao Trung Quốc nhất định sẽ thua Việt Nam?" trên tạp chí Toyo Keizai của Nhật Bản cho rằng, mặc dù quan hệ Trung - Nhật về mặt quân sự đang trong tình trạng căng thẳng có thể bùng phát thành xung đột bất cứ lúc nào, nhưng quan hệ giữa 2 nước vẫn có khả năng được cải thiện. Có những điều người Nhật Bản có thể và nên học hỏi người Việt trong quan hệ với láng giềng Trung Quốc.

Toyo Keizai cho rằng, quan hệ Nhật - Trung không thể so sánh được với quan hệ Việt - Trung về mức độ phức tạp. Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc đã cất quân xâm lược Việt Nam ít nhất cũng hơn 15 lần. Người Việt một mặt chiến đấu ngoan cường bảo vệ nền độc lập tự chủ, một mặt vẫn chấp nhận "triều cống ngoại giao" để bảo vệ hòa bình. Tuy nhiên, dã tâm bành trướng lãnh thổ của phương Bắc xuống phương Nam vẫn chưa có lúc nào ngừng nghỉ.

Trong vấn đề Biển Đông gần đây, Việt Nam đã cho thấy lập trường kiên quyết không lùi bước, một mặt tranh thủ dư luận ủng hộ của khu vực và cộng đồng quốc tế, mặt khác cũng tránh để đổ vỡ hoàn toàn quan hệ với Bắc Kinh. Kết quả là Trung Quốc đã phải có sự nhượng bộ nhất định, trong khi Việt Nam tranh thủ thành công sự ủng hộ của ASEAN. Có thể nói Việt Nam đã "bỏ danh, cầu thực (thật)". Dù là một nước nhỏ nhưng trong quan hệ với Trung Quốc lớn hơn mình rất nhiều, Việt Nam không hề "dưới cơ".

Quan hệ với láng giềng, người Việt đã "dốc" những gì có thể làm, đóng góp những gì có thể đóng góp nên vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế ngày càng tăng. Toyo Keizai nhận định, sở dĩ người Việt có được thành công này mấu chốt nằm ở 2 điểm:

Thứ nhất, Việt Nam rất biết cách quan hệ với các cường quốc như thế nào. Người Việt nam không bao giờ cúi đầu quá thấp. Ngược lại, người Việt thường khiến các cường quốc cúi đầu xuống, "ngoại giao xin xỏ" không có chỗ đứng ở Việt Nam. Người Việt không bao giờ nói toạc móng heo, nhưng cũng chẳng cam tâm lép vế, dù trong lòng đã sẵn sàng thỏa hiệp nhưng ngoài mặt vẫn cứ lạnh tanh, lúc bị đối phương dồn vào thế bí thì người Việt lại đưa ra một phương án trung dung. Nhật Bản có thể học được điều này từ người Việt hay không, Toyo Kaizei đặt câu hỏi.

Thứ hai, người Việt thường biết sử dụng các chiến thuật tình báo để có thể lấy được thông tin của đối phương phục vụ cho mục đích của mình. Có thể một số người cho rằng chiến thuật này không "quang minh chính đại", nhưng khi cuộc chiến ngoại giao là cuộc chiến của lợi ích nếu chỉ biết đi đường thẳng chưa chắc đã giành được thắng lợi. Tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản cố nhiên đáng quý, nhưng người Nhật dường như đang thiếu một trí tuệ ứng biến linh hoạt? Người ngoài thường có một nhận xét chung về người Nhật là mang nặng chủ nghĩa giáo điều. Đã đến lúc Nhật Bản cần thay đổi điều này.

Toyo Keizai cho rằng, cần phải nhấn mạnh rằng thủ pháp ngoại giao của Việt Nam không thể gọi là "chủ nghĩa đơn phương" bởi người Việt luôn kề vài sát cánh với các thành viên khác của ASEAN. Từ góc độ này có thể thấy Trung Quốc không thể khuất phục được người Việt, Nhật Bản nên học tập người Việt điểm này trong xử lý mối quan hệ với Bắc Kinh. Hiện tại Việt Nam vẫn đang hành động, người Việt vẫn đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc của Trung Quốc, đặc biệt là về mặt kinh tế, Toyo Keizai lưu ý.

Hồng Thủy