Ngụy biện: TQ không gây căng thẳng, hợp tác ở Biển Đông là chủ đạo

20/07/2013 07:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh không gây căng thẳng Biển Đông và hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo ở vùng biển này?!
Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Tân Hoa Xã ngày 19/7 đưa tin, trong buổi hội thảo quốc tế về Hợp tác và phát triển ở Biển Đông do cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tổ chức hôm nay tại Bắc Kinh, ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh không gây căng thẳng Biển Đông và hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo ở vùng biển này?!
"Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan (ở Biển Đông) cần thể hiện sự sẵn sàng về chính trị nhiều hơn, có những nỗ lực chung để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông và tạo ra cơ chế các bên cùng thắng", ông Dân phát biểu. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn nhận xét, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo ở Biển Đông hiện nay, Trung Quốc và ASEAN sẽ làm việc với nhau để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhà ngoại giao Bắc Kinh nói: "Mặc dù các tranh chấp liên quan đến Biển Đông không phải do Trung Quốc tạo ra, Trung Quốc vẫn giữ một thái độ trách nhiệm và tìm kiếm các giải pháp thông qua thương lượng"?!
Hội thảo quốc tế Hợp tác và phát triển ở Biển Đông do Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tổ chức ngày hôm nay 19/7 tại Bắc Kinh
Hội thảo quốc tế Hợp tác và phát triển ở Biển Đông do Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tổ chức ngày hôm nay 19/7 tại Bắc Kinh
Phát biểu của vị Thứ trưởng Trung Quốc hoàn toàn ngược lại với những diễn biến trên thực tế cũng như những gì Trung Quốc thể hiện trong các diễn đàn đối thoại về Biển Đông với các bên liên quan. Những hành động leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nửa đầu năm nay đã được dư luận liên tục phản ánh và phản đối là bằng chứng không thể chối cãi. Mặt khác, mặc dù ASEAN đang rất nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc tham gia tiến trình đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ, thì Bắc Kinh hết lần này đến lần khác lảng tránh. Trước sức ép của cộng đồng quốc tế và khu vực, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 46 và diễn đàn an ninh khu vực ARF tại Brunei vừa qua, Bắc Kinh giả vờ nhượng bộ bằng cách chấp nhận "tham vấn" COC với ASEAN mà không phải đàm phán hay ký kết. Bắc Kinh mới chỉ đồng ý "nói chuyện" về COC với ASEAN, còn việc có đàm phán, ký kết văn bản quan trọng này hay không lại là chuyện khác.
Tàu cá của thuyền trưởng Bùi Văn Phải, một ngư dân ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, bị tàu tuần tra Trung Quốc truy đuổi và bắn cháy cabin cùng nhiều đồ đạc khi tàu đang đánh bắt cá hợp pháp trong vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hôm 20/3.
Tàu cá của thuyền trưởng Bùi Văn Phải, một ngư dân ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, bị tàu tuần tra Trung Quốc truy đuổi và bắn cháy cabin cùng nhiều đồ đạc khi tàu đang đánh bắt cá hợp pháp trong vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hôm 20/3.
Bộ Ngoại giao Philippines gần đây đã công khai khẳng định một cách chắc chắn, những căng thẳng trên Biển Đông suốt những năm qua đều do yêu sách, tham vọng vô lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông với cái gọi là "đường 9 đoạn" hay đường lưỡi bò, đường chữ U. Mặt khác, mặc dù các bên đều nỗ lực giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn khăng khăng cái gọi là điều kiện tiên quyết: Đối phương phải chấp nhận gần như toàn bộ Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc rồi đàm phán gì thì đàm phán?! Mọi bế tắc đều xuất phát từ đây. Trong khi 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt trái phép năm 1974 bất chấp sự phản đối liên tục của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế và hiện nay Bắc Kinh không chịu ngồi vào bàn đàm phán, thì quần đảo Trường Sa có 5 nước 6 bên tuyên bố chủ quyền, tức tranh chấp đa phương nhưng Bắc Kinh vẫn khăng khăng đòi đàm phán tay đôi với từng nước?! Chừng ấy lý do và là hiện thực, thực tế khách quan không thể phủ nhận cũng đủ cho thấy những phát ngôn của phía Trung Quốc tại hội thảo ngày hôm nay là ngụy biện, lấp liếm cho những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông khiến công luận phải đặt dấu hỏi về cái gọi là "thiện chí" của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index

Hồng Thủy