Nhà báo Kazianis: Đánh cược rằng Trung Quốc sắp áp ADIZ ở Biển Đông

05/12/2013 13:40
Hồng Thủy (Nguồn: The Diplomat)
(GDVN) - 2 lý do để Kazianis đưa ra dự đoán này, đầu tiên là việc dường như Washington đã bật đèn xanh cho Bắc Kinh đi tiếp sau khi tuyên bố áp đặt ADIZ ở Hoa Đông, mặc dù điều này tưởng chừng như rất vô lý.
Harry J. Kazianis
Harry J. Kazianis
Harry J. Kazianis, biên tập viên của tờ The National Interest và là cựu biên tập viên tạp chí The Diplomat ngày 4/12 nhận xét, mặc dù bản thân ghét những dự đoán nhưng ông dám đánh cược rằng Trung Quốc trong vòng 1 năm đến 1,5 năm tới sẽ tuyên bố áp đặt khu nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines bà Mã Khắc Khanh đã ám chỉ điều này. 2 lý do để Kazianis đưa ra dự đoán này, đầu tiên là việc dường như Washington đã bật đèn xanh cho Bắc Kinh đi tiếp sau khi tuyên bố áp đặt ADIZ ở Hoa Đông, mặc dù điều này tưởng chừng như rất vô lý. Dẫn nguồn tin Kyodo, một quan chức cấp cao tháp tùng Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden công du Đông Á đã nói rằng Washington đang yêu cầu Bắc Kinh không tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông "mà không tham vấn trước các nước có liên quan". Điều kiện Mỹ đặt ra được Kazianis lý giải rằng, "sẽ ok nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông miễn là họ báo trước cho các nước láng giềng một cách hình thức". Bắc Kinh hoàn toàn có thể sử dụng những xảo thuật ngôn từ để công khai tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, một khu vực nhiều bên yêu sách chủ quyền và trong thực tế Trung Quốc đã đi quá xa với yêu sách "chủ quyền" tới 80% diện tích Biển Đông, chiếm quyền kiểm soát Scabrorough từ Philippines và đang gây sức ép ngoài bãi Cỏ Mây, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Trong chuyến công du Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được kỳ vọng sẽ công khai nói rõ lập trường của Mỹ phản đối ADIZ Bắc Kinh áp đặt ở Hoa Đông, nhưng ông đã im lặng. Động thái này của Mỹ càng làm gia tăng lo ngại về một sự thỏa hiệp ngầm giữa Washington với Bắc Kinh.
Trong chuyến công du Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được kỳ vọng sẽ công khai nói rõ lập trường của Mỹ phản đối ADIZ Bắc Kinh áp đặt ở Hoa Đông, nhưng ông đã im lặng. Động thái này của Mỹ càng làm gia tăng lo ngại về một sự thỏa hiệp ngầm giữa Washington với Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng đã triển khai cụm tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông, mặc dù nó sẽ chưa thể hoạt động ngay, một động thái được xem như nhằm biểu dương lực lượng. Lý do thứ 2, khi Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã khuyến khích các hãng hàng không dân dụng nước này cân nhắc yêu cầu của Bắc Kinh thông báo trước kế hoạch bay cho Trung Quốc khi đi qua ADIZ Hoa Đông. Mặc dù Washington nhấn mạnh rằng động thái này không có nghĩa là Mỹ chấp nhận ADIZ Trung Quốc áp đặt ở Hoa Đông, nhưng bằng việc chấp nhận cho các máy bay dân dụng Mỹ "báo cáo" Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ sử dụng nó như dấu hiệu của một sự chấp nhận. Nếu Bắc Kinh đã thành công một lần, tại sao không tiếp tục làm thêm (ở Biển Đông)?
Việc tuyên bố thiết lập ADIZ với bản chất là vùng đệm nhận diện, cảnh báo sớm nguy cơ xâm nhập không phận quốc gia không phải là động thái hung hăng. Nhưng việc Bắc Kinh áp đặt quy chế bắt nước khác tuân thủ lại khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Với những động thái tương tự như vậy, chính Trung Quốc đang làm cho các nước láng giềng phải chống lại hành động của Bắc Kinh và hình ảnh của quốc gia Đông Á này trở nên xấu đi trong mắt khu vực và cộng đồng quốc tế.

Hồng Thủy (Nguồn: The Diplomat)