Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đòi tuyên bố chủ quyền với cả Okinawa

08/05/2013 14:22
Nguyễn Hường (nguồn CNA)
(GDVN) - Nhân Dân nhật báo nói rằng, Trung Quốc có thể có chủ quyền đối với chuỗi đảo Ryukyu, trong đó bao gồm cả Okinawa, đã bị Nhật Bản tước đoạt và không trả lại cho nước này sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc.
Bắc Kinh và Tokyo có thể sẽ bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ mới sau khi một tờ báo hàng đầu của Trung Quốc hôm 8/5 lớn tiếng kêu gọi "xem xét lại" chủ quyền của Nhật Bản đối với Okinawa - nơi có một căn cứ quân sự lớn của Mỹ.
Hải giám Trung Quốc nhiều lần tiến sát nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát
Hải giám Trung Quốc nhiều lần tiến sát nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát


Theo bài viết trên tờ Nhân Dân nhật báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc có thể có chủ quyền đối với chuỗi đảo Ryukyu, trong đó bao gồm cả Okinawa, đã bị Nhật Bản tước đoạt và không trả lại cho nước này sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc.
"Những vấn đề chưa được giải quyết liên quan tới Ryukyu đã đến lúc cần phải được xem xét lại" - tác giả bài viết Trương Hải Bằng và Lý Quốc Cường là các học giả tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc tuyên bố.
Bài báo cũng nhắc lại lập luận của Chính phủ Trung Quốc cho rằng nhóm đảo Senkaku, nằm gần Okinawa và quần đảo Ryukyu, đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản mà Bắc Kinh cùng tuyên bố chủ quyền, gọi là Điếu Ngư, cũng thuộc chủ quyền của nước này dựa theo các chứng cứ lịch sử mà nước này đữa đưa ra, nhưng đã bị Tokyo bác bỏ.

Cảnh sát biển Nhật Bản đuôi một chiếc thuyền đánh cá Trung Quốc gần đảo Miyako ở Okinawa ngày 2 tháng 2 năm 2013
Cảnh sát biển Nhật Bản  đuôi một chiếc thuyền đánh cá Trung Quốc gần đảo Miyako ở Okinawa ngày 2 tháng 2 năm 2013

Okinawa là đảo lớn nhất trong quần đảo Ryukyu, kéo dài khoảng 1000 km từ đất liền Nhật Bản. Đảo này là trung tâm của Vương quốc Ryukyu cổ vốn được cống nạp cho các Hoàng đế Trung Hoa cho đến khi được Nhật Bản tiếp quản vào năm 1879, tờ Nhân Dân nhật báo cho biết.
Trên đảo Okinawa có một căn cứ quân sự lớn của Không và Hải quân Mỹ và là nơi sinh sống của 1,3 triệu người Nhật Bản.
Một số người Trung Quốc cho rằng các căn cứ lịch sử mà họ đưa ra là cơ sở để tuyên bố chủ quyền đối với các đảo đang do Nhật Bản kiểm soát.
Trong khi chính phủ Bắc Kinh chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào liên quan tới vấn đề trên thì nhiều tờ báo ở Trung Quốc đã có một thời gian dài đăng tải các bài bình luận đặt ra câu hỏi về chủ quyền của Nhật Bản đối với vùng lãnh thổ này.
Nguyễn Hường (nguồn CNA)