Nhật Bản, Ấn Độ tập trận chung lần đầu tiên, biển Đông thành tiêu điểm

02/05/2012 09:04
Hồng Thủy (theo Liên Hợp)
(GDVN) - Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền giữa một số nước thành viên ASEAN với Trung Quốc sẽ nằm trong nội dung đàm phán trao đổi giữa Tokyo với New Delhi.
Tờ Liên Hợp xuất bản tại Singapore ngày 2/5 đưa tin, trong chuyến công du New Delhi hôm 30/4 Ngoại trưởng Nhật Bản  Koichiro Gemba và người đồng nhiệm Ấn Độ Krishna đã đạt được thỏa thuận chung xây dựng cơ chế hợp tác trên biển giữa hai nước.

Tokyo và New Delhi đã thống nhất cuối năm nay 2012 sẽ tổ chức cuộc tập trận chung lần đầu tiên giữa hải quân hai nước.

Tờ Liên Hợp bình luận, thông qua động thái này - cuộc tập trận chung với nội dung chủ yếu là an ninh hàng hải và các hạng mục mở rộng khác nhằm kiềm chế bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh đang ngày càng lớn dần đối với khu vực này.

Ngoại trưởng Nhật Bản, Ấn Độ trong cuộc họp báo chung sau hội đàm
Ngoại trưởng Nhật Bản, Ấn Độ trong cuộc họp báo chung sau hội đàm

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba còn cho biết thêm, khu vực biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền giữa một số nước thành viên ASEAN với Trung Quốc sẽ nằm trong nội dung đàm phán trao đổi giữa Tokyo với New Delhi.

Một động thái khác có liên quan, ngày 30/4 diễn ra hội nghị cấp cao Mỹ - Phi (2 + 2) giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng 2 nước nhằm phát triển mối quan hệ chiến lược song phương và triển khai kế hoạch xây dựng Philippines trở thành "trung tâm" trong chiến lược mới tại châu Á của Mỹ.
Nhật Bản, Ấn Độ tập trận chung lần đầu tiên, biển Đông thành tiêu điểm ảnh 2
Hội nghị 2 + 2 xác định xây dựng Philippines thành "trung tâm" trong chiến lược mới của Mỹ tại châu Á
Cũng trong cuộc gặp này, Washington thông báo nội trong năm 2012 này sẽ bàn giao tiếp Malina một chiến hạm đã qua sử dụng của Mỹ để giúp Philippines tăng sức mạnh hải quân.

Chiếc chiến hạm đầu tiên Mỹ bàn giao Philippines đã được đưa vào biên chế tháng 8 năm ngoái.

Cũng trong hội nghị này, một lần nữa Washington khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển Đông và nhắc lại quan điểm của Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp tại khu vực này giữa Trung Quốc với một số quốc gia ASEAN thông qua con đường hòa bình, đối thoại với một cơ chế đa phương chứ không phải đàm phán tay đôi như Bắc Kinh vẫn theo đuổi.
Hồng Thủy (theo Liên Hợp)