Nhật Bản liên tiếp triệu Đại sứ TQ phản đối tàu Ngư chính ra Senkaku

13/07/2012 13:19
Hồng Thủy
(GDVN) - Khi bị phía Nhật Bản triệu kiến phản đối lần thứ 2 liên tiếp trong 2 ngày, ông Trình Vĩnh Hoa, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản phản ứng khá gay gắt
Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo ngày 12/7 đưa tin, 5h chiều qua tàu Ngư chính 35001 của Trung Quốc lại quay trở lại vùng biển phụ cận đảo Senkaku mà ngày hôm trước nó cùng 2 tàu Ngư chính 202, Ngư chính 204 đã bị lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản đuổi đi sau khi có ý định lân la tiếp cận Senkaku.

Bất chấp phản đối từ Nhật Bản và cuộc gặp giữa Ngoại trưởng hai nước đang diễn ra tại Campuchia, tàu Ngư chính Trung Quốc vẫn "lởn vởn" tìm cách tiếp cận đảo Senkaku trong sự canh chừng của tàu Cảnh sát biển Nhật Bản
Bất chấp phản đối từ Nhật Bản và cuộc gặp giữa Ngoại trưởng hai nước đang diễn ra tại Campuchia, tàu Ngư chính Trung Quốc vẫn "lởn vởn" tìm cách tiếp cận đảo Senkaku trong sự canh chừng của tàu Cảnh sát biển Nhật Bản

Ngày 11/7 Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay nước này đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Trình Vĩnh Hoa đến để trao công hàm phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với Bắc Kinh và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự.

Tuy nhiên ngay ngày 12, 3 tàu Ngư chính Trung Quốc vẫn tiếp tục có ý định tiếp cận đảo Senkaku mà phía Bắc Kinh gọi là đảo Điếu Ngư.

Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay, khi bị phía Nhật Bản triệu kiến phản đối lần thứ 2 liên tiếp trong 2 ngày, ông Trình Vĩnh Hoa, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản phản ứng khá gay gắt, khăng khăng khẳng định đảo Điếu Ngư/Senkaku là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Trình Vĩnh Hoa hai ngày liên tiếp bị Tokyo triệu kiến phản đối
Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Trình Vĩnh Hoa hai ngày liên tiếp bị Tokyo triệu kiến phản đối

Trong một động thái có liên quan, bên lề Diễn đàn An ninh ASEAN tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia, Ngoại trưởng Nhật Bản và Trung Quốc đã có cuộc tiếp xúc với nội dung chính trao đổi về vấn đề Senkaku nhưng không đạt được một tiến triển nào.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba phản đối Bắc Kinh điều tàu Ngư chính xâm phạm lãnh hải Nhật Bản trong khi ông Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng đó là hoạt động tuần tra bình thường của tàu Ngư chính trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cả hai đều mong muốn không để vấn đề tranh chấp đảo Senkaku ảnh hưởng tới đại cục quan hệ giữa hai cường quốc ở Đông Á này.

Thời báo Hoàn Cầu xuất bản sáng 13/7 cho hay, mặc dù hai bên không đạt được bất cứ kết quả nào xung quanh vấn đề Senkaku, nhưng Ngoại trưởng Nhật – Trung cũng không vì thế mà to tiếng hay đấu khẩu với nhau trên bàn đàm phán.

Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản trao đổi về vấn đề Senkaku bên lề Diễn đàn an ninh ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia nhưng không đạt được bất cứ điểm chung nào
Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản trao đổi về vấn đề Senkaku bên lề Diễn đàn an ninh ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia nhưng không đạt được bất cứ điểm chung nào

Cũng trong cuộc gặp này, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông giữa Trung Quốc với 4 nước thành viên ASEAN nên được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong khi ông Dương Khiết Trì vẫn khăng khăng: Việc này nên để các nước đương sự tự giải quyết!

Vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng trên biển Đông cũng như biển Hoa Đông đang nóng lên từng ngày với những động thái leo thang hết sức ngang ngược từ phía Trung Quốc, khởi đầu là gây căng thẳng với Philippines trên bãi cạn Scarborough.

Kế đến là việc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đồng thời ngang nhiên mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam, nay lại 2 ngày liên tục phái tàu Ngư chính lân la tiếp cận đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, bất chấp việc trước đó 1 ngày Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc đến phản đối và cuộc gặp giữa ông Ngoại trưởng hai nước đang diễn ra.

Lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng, hôm qua 12/7 Trung Quốc tổ chức biên đội 30 tàu cá ra đánh bắt trái phép tại khu vực Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam
Lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng, hôm qua 12/7 Trung Quốc tổ chức biên đội 30 tàu cá ra đánh bắt trái phép tại khu vực Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam

Hoạt động tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các bên liên quan sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Trung Quốc chủ động đẩy vấn đề chủ quyền lên cao và gây căng thẳng trên thực địa, một mặt thúc đẩy quá trình lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng để tăng cường vơ vét tài nguyên trên biển.

Mặt khác, chính những động thái căng thẳng trên thực địa do Trung Quốc gây ra được tính toán nhằm tăng áp lực trên bàn đối thoại, đàm phán với các bên liên quan vì Trung Quốc sợ nhất khi thấy các bên tranh chấp viện dẫn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước biển Liên Hợp Quốc 1982 ra nói chuyện phải quấy với họ.

Trong bối cảnh đó, tiếp tục kiên trì đấu tranh khéo léo với Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, vận dụng Công ước biển Liên Hợp Quốc 1982 mà Trung Quốc là 1 thành viên ký kết thông qua để đấu tranh với Trung Quốc, kêu gọi và tận dụng tối đa xu thế quan tâm, tham dự của cộng đồng quốc tế sẽ buộc Bắc Kinh phải cân nhắc kỹ trước khi hành động, ngăn chặn những động thái leo thang hơn nữa từ phía Trung Quốc.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy