Nhật Bản-Thái Lan kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp

08/06/2016 08:25
Phong Vân
(GDVN) - Đồng thời, hai bên cân nhắc ký kết hiệp định chuyển giao trang bị phòng vệ, Thái Lan rất quan tâm đến máy bay tuần tra săn ngầm P-1 và thủy phi cơ US-2 Nhật.

Hãng tin BBC Anh ngày 7/6 cho hay, cùng ngày tại Bangkok, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan đã tổ chức hội đàm về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, Nhật Bản và Thái Lan đã thảo luận khả năng chuyển giao trang bị quân sự cho Thái Lan. Nguồn ảnh: BBC/Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, Nhật Bản và Thái Lan đã thảo luận khả năng chuyển giao trang bị quân sự cho Thái Lan. Nguồn ảnh: BBC/Reuters

Trong hội đàm, hai bên Nhật-Thái đã trao đổi ý kiến về các vấn đề như ý đồ của Trung Quốc khi tăng cường hành động (bất hợp pháp) ở Biển Đông, tự do đi lại trên Biển Đông.

Hai bên cũng nhất trí cho rằng, vấn đề Biển Đông cần được giải quyết hòa bình theo phương thức lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng. Ngoài ra Nhật Bản cũng đồng ý hỗ trợ Thái Lan tăng cường năng lực phòng vệ.

Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết, hai bên cũng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề như chuyển giao trang bị, đồng thời cân nhắc ký kết hiệp định chuyển giao trang bị.

Hãng Kyodo cho biết, sau khi xảy ra đảo chính vào năm 2014, Thái Lan xích lại gần Trung Quốc về an ninh, Nhật Bản đang kêu gọi chính phủ lâm thời nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, ngoài ra cũng đang tìm kiếm khả năng hợp tác ứng phó với vấn đề Biển Đông.

Nhật Bản và Thái Lan cũng xác nhận tính cần thiết của tự do hàng không ở Biển Đông.

Khi tuyên bố thăm các nước Thái Lan, Việt Nam và Myanmar vào ngày 31/5, ông Gen Nakatani đã cho biết, học viên quân sự Thái Lan đến Nhật Bản học tập sớm hơn bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào khác, giao lưu quân sự giữa hai nước đã duy trì 60 năm.

Ngày 6/6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani hội kiến với bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar. Nguồn ảnh: Hãng tin Kyodo Nhật Bản
Ngày 6/6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani hội kiến với bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar. Nguồn ảnh: Hãng tin Kyodo Nhật Bản

Trong khi đó, hội đàm lần này cũng là hội đàm lần đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nhật Bản-Thái Lan kể từ năm 2013 đến nay. Ông Gen Nakatani đồng thời cho biết, mong muốn có thể tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.

Tạp chí The Diplomat và tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản vài ngày trước có bài viết cho rằng, Nhật Bản tìm cách ngăn chặn quan hệ giao lưu quân sự giữa Trung Quốc và Thái Lan, còn Bangkok rất quan tâm đến hai loại máy bay do Nhật Bản chế tạo.

Hai loại máy bay này lần lượt là máy bay săn ngầm P-1 do Công nghiệp nặng Kawasaki sản xuất và thủy phi cơ US-2 do Công nghiệp ShinMaywa sản xuất.

Nhật Bản cũng có ý định thông qua chuyến thăm lần này của ông Gen Nakatani để tăng cường hợp tác. Nhưng hai bên muốn đạt được thỏa thuận, thì Nhật Bản cần phải đồng ý chuyển giao trang bị và công nghệ, vì vậy, mức độ khó khăn còn tương đối cao.

Được biết, máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 của Nhật Bản trang bị 4 động cơ phản lực, hành trình khoảng 8.000 km, tốc độ tối đa 996 km/giờ. P-1 được trang bị công nghệ radar và giảm âm hiện đại để thực hiện nhiệm vụ săn ngầm.

Máy bay P-1 có thể được trang bị tên lửa chống hạm, tên lửa không đối đất, ngư lôi, mìn, bom… Loại máy bay này đặc biệt thích hợp cho săn ngầm ở cự ly thấp với cánh và khoang rộng.

Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 Nhật Bản. Nguồn ảnh: Internet
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 Nhật Bản. Nguồn ảnh: Internet

Trong khi đó, thủy phi cơ US-2 được dùng để tìm kiếm và cứu nạn, có khả năng hạ cánh trên mặt biển, bay với tốc độ thấp và bay tầm xa. Máy bay này được một số nước quan tâm, trong đó có Ấn Độ, nhưng đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng nào.

Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy ký kết thỏa thuận quốc phòng với các nước Đông Nam Á, tạo cơ sở cho chuyển giao trang bị phòng vệ, tức xuất khẩu vũ khí trang bị. 

Phong Vân