Nhật cho vay 133 triệu USD không có nghĩa Campuchia bỏ Trung Quốc

19/12/2013 07:00
Hồng Thủy (Nguồn: Phnom Penh Post)
(GDVN) - Campuchia muốn nhận viện trợ còn Nhật Bản muốn chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Campuchia hoàn toàn sẵn sàng đón nhận viện trợ kinh tế từ Trung Quốc đồng thời với hỗ trợ phát triển của Nhật Bản.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen thăm Trung Quốc.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen thăm Trung Quốc.

Bưu điện Phnom Penh ngày 18/12 cho biết, Thủ tướng Campuchia vừa trở về từ Nhật Bản mang theo tin vui được  Tokyo cam kết đảm bảo khoản vay 133 triệu USD, tăng cường hợp tác quốc phòng và nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược".

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ với Nhật Bản không nên coi là đồng nghĩa với Campuchia từ bỏ Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là đồng minh quan trọng nhất, nhà đầu tư lớn nhất của Campuchia, các chuyên gia cho biết.

Cuộc đàm phán song phương giữa 2 ông Hun Sen và Shinzo Abe đã diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản mà ở đó Tokyo tuyên bố cam kết viện trợ 20 tỉ USD cho khu vực ASEAN, một nỗ lực được Bưu điện Phnom Penh xem như Nhật Bản hỗ trợ khu vực trong đối phó với Trung Quốc trên biển Đông.

Tuyên bố chung Nhật Bản - ASEAN hôm thứ Bảy cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường hợp tác trong việc đảm bảo tự do và an ninh hàng không, một tham chiếu đối với động thái Bắc Kinh tuyên bố đơn phương áp đặt khu nhận diện phòng không ở Hoa Đông đang gây phản ứng mạnh mẽ với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc.

Theo Bưu điện Phnom Penh, trong khi một số nước ASEAN muốn Nhật Bản có lập trường "chống Trung Quốc mạnh mẽ do tranh chấp hàng hải của riêng mình với một siêu cường ở Biển Đông", Campuchia sẽ vẫn ủng hộ Trung Quốc một cách chắc chắn nhờ có những lợi ích kinh tế hấp dẫn, tiến sĩ Ian Storey từ Singapore nhận xét.

Tuy nhiên Ian Storey nhấn mạnh, Campuchia có thể sẽ vẫn tiếp tục đón nhận viện trợ của Nhật Bản, nhà tài trợ phát triển hàng đầu của họ mà không có sự "khinh miệt" Trung Quốc.

Thủ tướng Shinzo Abe thăm Campuchia.
Thủ tướng Shinzo Abe thăm Campuchia.

"Tôi nghĩ Trung Quốc đủ thông minh để hiểu được động lực  cuộc chơi ở đây và tuyên bố nâng cấp quan hệ (Campuchia - Nhật Bản) lên đối tác chiến lược không gì nhiều hơn một bài hùng biện chính trị. Tôi không cho rằng Bắc Kinh sẽ phải mất ngủ vì nó. Người Trung Quốc biết rằng họ có chỗ đứng vững chắc ở Campuchia."

Trung Quốc là nhà tài trợ và cho vay của Campuchia được biết đến là "không có ràng buộc", nếu Nhật Bản cố gắng đặt điều kiện khó khăn hơn về việc cho vay, viện trợ phát triển, Campuchia có thể sẽ không sẵn sàng chơi với cả hai bên, giáo sư Carlyle Thayer từ Úc nhận xét.

Campuchia muốn nhận viện trợ còn Nhật Bản muốn chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Campuchia hoàn toàn sẵn sàng đón nhận viện trợ kinh tế từ Trung Quốc đồng thời với hỗ trợ phát triển của Nhật Bản. Nhưng nếu người Nhật đặt điều kiện, Campuchia sẽ bị mắc kẹt vào áp lực này.

Chia rẽ trong ASEAN đã xảy ra năm ngoái khi Campuchia trong vai trò Chủ tịch luân phiên khối đã nỗ lực "chưa từng có" để gạt vấn đề Biển Đông đang nóng bỏng khỏi Tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN.

Tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap, nhà nghiên cứu các vấn đề chính trị, an ninh ASEAN nhận xét, các nhà lãnh đạo ASEAN đã khá "nhẹ nhàng" trong hỗ trợ vai trò an ninh mới của Nhật Bản, thâm chí sau các động thái ngoại giao tích cực và viện trợ hào phóng của Tokyo thời gian qua.

"Mỗi quốc gia thành viên ASEAN có chính sách bảo mật và lợi ích của riêng mình. Nhưng khi họ đến với nhau, việc ASEAN trung lập, thân thiện và không đứng về phía nào là rất quan trọng." Termsak cho biết.

"Nếu bạn xếp các nước ASEAN theo mức độ sẵn sàng tăng cường sự gắn kết để gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc từ mạnh đến yếu thì đó sẽ là Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Lào và Campuchia", Ernie Bower , cố vấn cấp cao và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington  DC đánh giá.

Hồng Thủy (Nguồn: Phnom Penh Post)