Nhạt nhòa và dang dở

14/01/2016 07:03
Ngọc Việt
(GDVN) - Obama không ngờ Tập Cận Bình cao cơ hơn đã lập hẳn một “siêu ngân hàng thế giới” của riêng mình, với quy mô lớn hơn tất cả các định chế tài chính thế giới.

Theo truyền thông quốc tế, tối 12/1 theo giờ Washington, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã đọc Thông điệp Liên bang năm 2016 trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ. Đây là Thông điệp Liên bang cuối cùng của Tổng thống Obama sau bảy năm đứng đầu nước Mỹ.

Nhiều hãng tin lớn trên thế giới nhận định rằng Thông điệp Liên bang năm nay có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, theo người viết thì nội dung Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama năm 2016 là một sự né tránh thực tế, không có gì rõ ràng như chính những di sản mà ông Obama đã tạo ra trong gần hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình.  

“Tôi lạc quan rằng tương lai đất nước của chúng ta sẽ không còn bạo lực, mà chỉ có tình yêu thương vô tư, không vụ lợi. Đó là điều khiến tôi rất hy vọng về tương lai của chúng ta. Vì bạn. Tôi tin bạn. Đó là lý do tại sao tôi đứng đây tự tin khẳng định rằng nhà nước của chúng ta là mạnh mẽ”, ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ Barak Obama đọc Thông điệp Liên bang năm 2016. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barak Obama đọc Thông điệp Liên bang năm 2016. Ảnh: AP

Có thể thấy rằng David Axelrod – cố vấn chính trị của ứng cử viên Barak Obama - đã quá xuất sắc khi lựa chọn: Hy vọng và Thay đổi là chủ đề trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Obama năm 2008. Và chính chủ đề ấy đã làm nên chiến thắng cho ông Obama và đưa ông vào vị thế của một Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ.

Và khi ông Obama thắng cử thì ai cũng hy vọng chương trình hành động của chính phủ Obama từ sách lược đến kế hoạch, chính sách sẽ dựa theo chủ đề làm nên chiến thắng ấy.

Tuy nhiên cho đến giờ này, khi ông Obama kết thúc Thông điệp Liên bang cuối cùng tại Capital Hill thì có thể kết luận, rằng ông và chính phủ của ông đã đảo ngược cái chủ đề ấy trong quá trình hoạt động của mình – đó là: Đổi thay và Hy vọng.

Tại sao lại nhận định như vậy?

Hành động thiếu quyết đoán

Khi ông Obama vừa chân ướt chân ráo bước vào Nhà Trắng thì cùng lúc đó ông phải chịu áp lực là chủ nhân của giải Nobel Hòa bình nên có thể đã làm cho ông có phần “bị khớp” trước khi có những quyết định táo bạo, nhất là việc giải quyết những vấn đề nóng cả trong nước và trên thế giới. 

Ông Obama đã quyết định rút quân khỏi Iraq đúng như lời hứa khi tranh cử. Ông cố gắng giữ đúng lời hứa với cử tri và hy vọng tình hình Iraq sẽ tốt hơn. Nhưng ông Obama đã sai lầm. Khi quân đội Mỹ vừa rút khỏi Iraq thì cũng là lúc chính quyền của nước này thể hiện là bộ mặt của một chính quyền kém cỏi. 

Thực ra, lúc đó ông Obama có lộ trình rút quân chậm hơn thì cũng không bị cử tri chỉ trích vì ông có lý do đảm bảo an toàn cho nước Mỹ, nhưng ông không dám quyết đoán như vậy. Và hậu quả là IS đã hiện hình.

Đây có thể xem là một trong những điều thất vọng nhất của ông Obama và bây giờ làm nên nỗi tuyệt vọng của ông trong cuộc chiến chống khủng bố IS.

“Chúng ta không đẩy đi những đồng minh quan trọng trong cuộc chiến này bằng cách lặp lại lời nói dối rằng IS là đại diện của một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới. Chúng ta gọi chúng đúng với bản chất của chúng – những kẻ giết người cuồng tín. Chúng phải phải bị truy lung và xóa sổ”, ông Obama kêu gọi sự đoàn kết của các nước Hồi giáo trong cuộc chiến chống IS .

Obama vội vã trong việc kết nối ngoại giao với những đội quân ô hợp tạo nên chính phủ Libya, sau khi lật đổ chế độ độc tài Gaddafi, để rồi xảy ra một thảm họa trong lịch sử đối ngoại của nước Mỹ khi Đại sứ quán Mỹ bị tấn công, Đại sứ Mỹ tại Libya bị giết chết. Một thất bại đau đớn cho hy vọng của Obama – Libya không ổn định như ông tưởng.

Obama lấy Libya để làm bài học trong hành xử vấn đề Syria và hy vọng sẽ đạt được những ông gì tốt nhất cho ông và cho nước Mỹ của ông. Nhưng đến đây Obama lại phán đoán sai ý định của Putin trong thế cùng đường. Và thế là bây giờ ông phải chạy theo nước Nga để giành phần quyết định tại Syria. May mà ông Obama có cấm vận làm công cụ, nếu không thì thật ê chề.

Quốc hội Mỹ lắng nghe Tổng thống đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: The Telegraph.
Quốc hội Mỹ lắng nghe Tổng thống đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: The Telegraph.

Ông Obama thay đổi cách ứng xử với các đồng minh so với người tiền nhiệm để hy vọng rằng Mỹ sẽ có nhiều bạn tốt. Nhưng đến giờ này ngó đi ngó lại nước Mỹ của ông Obama không còn một đồng minh nào kiểu “Bush và Blair”, tất cả đều chỉ ở mức “thoang thoảng hương lài”.

EU, Nhật Bản hay Australia…đều chỉ là những quan hệ ở mức bình thường, dù đều là những đồng minh chiến lược.

Ông Obama muốn ngăn chăn Trung Quốc tham gia vào việc quyết định thương mai toàn cầu trong thế kỷ 21, nên khởi động TPP mà gạt bỏ Trung Quốc và hy vọng Bắc Kinh sẽ phải chạy theo Mỹ để bám càng.

Tuy nhiên, ông Obama không ngờ Tập Cận Bình cao cơ hơn đã lập hẳn một “siêu ngân hàng thế giới” của riêng mình, với quy mô lớn hơn tất cả các định chế tài chính thế giới hiện có, và hàng loạt những nước thuộc G7, G20 xin đầu quân “dưới trướng” Bắc Kinh, loại hẳn Mỹ ra bên ngoài.

Tại ngay chính nước Mỹ, ông Obama không may mắn có được thế mạnh tại Quốc hội khi phe Cộng hòa luôn chiếm đa số làm cho ông bị hạn chế rất nhiều trong việc triển khai những kế hoạch mang tính chiến lược, đặt dấu ấn cho quyền lực của bản thân.

Và có lẽ Obamacare là niềm tự hào nhất của ông.

“Gần mười tám triệu người đã có được bảo hiểm cho đến nay. Sự quá tải trong chăm sóc sức khỏe đã chậm lại. Và các doanh nghiệp của chúng ta đã tạo ra công ăn việc làm hàng tháng cho người lao động, kể từ khi Luật Affordable Care được ban hành”, ông Obama chi sẽ về thành công của Obamacare.

Tuy nhiên, chính Obamacare lại là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến chính phủ của ông Obama đã trở thành chính quyền Mỹ đầu tiên trong thế kỷ 21 phải ngưng hoạt động vì thiếu ngân sách chi cho hoạt động của chính phủ - một dấu ấn không thể nào quên với cuộc đời làm chính trị của ông Obama.

Sự kiện 11/9 là một chấn động, mở ra một chương mới trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, nhưng ông Obama đã thay đổi cách giải quyết vấn đề theo hướng ôn hòa hơn so với người tiền nhiệm G.Bush.

Obama thiếu dứt khoát vì ông hy vọng những giá trị nhân văn sẽ là sự hiệu chỉnh tốt nhất cho những hành động gây phương hại cho những “giá trị Mỹ”, nhưng kết quả là nước Mỹ ngày càng bất an hơn.

Có thể ông Obama đạt được nhiều kết quả tích cực gắn liền với cái vị thế “đầu tiên” của ông. Nhưng những điều ấy, những kết quả ấy đều không được xem là những thành quả lớn lao tạo nên “thương hiệu Obama”, không phải là niềm tự hào với vị thế của một Tổng thống Mỹ.

Và thật ra cũng khó có thể nhận diện một cách rõ ràng những kết quả ấy vì nó bị che lấp bởi những hy vọng của ông Obama không trở thành hiện thực sau những sự đổi thay.

“Tôi nói với bạn về chuyện suy giảm của nền kinh tế Mỹ - một vấn đề tạo nên bầu không khí nóng về chính trị. Các bạn nghe nói về kẻ thù của chúng ta ngày càng mạnh hơn và nước ngày càng Mỹ yếu hơn. Tôi khẳng định Hoa Kỳ là quốc gia mạnh nhất trên Trái đất”, lời ông Obama.

Những dự định dở dang 

Khi tranh cử, chủ đề Hy vọng và Thay đổi đã thể hiện tầm nhìn và sự phán đoán của ông Obama cùng cố vấn chính trị của mình. Đoán biết để hy vọng, rồi thay đổi để đón nhận.

Ông Obama đã đúng khi hy vọng người dân Mỹ không còn e ngại người da màu ngồi ở vị trí của người đứng đầu nhà nước Mỹ. Và ông đã thay đổi kịp thời những chiến thuật của mình để làm nên chiến thắng có ý nghĩa lịch sử trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên khi bước vào Nhà Trắng, với quyền lực trong tay, ông Obama đã không còn quyết đoán như trước nữa. Khả năng nắm bắt bản chất sự việc của ông Obama đã không còn độ sâu sắc như trước nữa.

Tổng thống Obama đã phải mạo hiểm hành động và chờ đợi những kết quả sẽ diễn ra theo mong muốn của mình – Đổi thay và Hy vọng. Song kết quả ông nhận được cho thấy rằng Obama đã không thành công với phương châm ấy.

Dù còn gần cả năm trời cho việc thực hiện công việc của mình, nhưng khó có thể tin rằng Tổng thống Obama sẽ hoàn thành được nhiều việc như ông đang theo đuổi. Những kế hoạch ấy sẽ là những dự định dở dang mà ông Obama phải trao lại cho người kế nhiệm trong một thế chẳng đặng đừng.

Obama đã thành công trong việc “bẻ nanh” Iran, nhưng lại khinh xuất để cho Saudi Arabia thành công trong việc nuôi mộng “bá chủ Trung Đông”. Thế là tự nhiên Mỹ có thêm một đối trọng tại Trung Đông và điều đó làm cho ông khó khăn hơn trong việc kết thúc vấn đề Syria.

Có thế Assad vẫn được tiễn ông Obama rời khỏi Nhà Trắng với tư cách Tổng thống nhà nước Cộng hòa Syria hiện tại.

Chắc ông Obama không còn đủ thời gian và tâm trí để giải quyết những mâu thuẫn và xung đột phe phái, sắc tộc tại Libya để tạo dựng nên một chính quyền có đầy đủ sức mạnh cho quốc gia này.

Như vậy là ông Obama còn nợ Đại sứ Chris Stevens - người đã đánh đổi mạng sống của mình cho những hy vọng của nước Mỹ và chính quyền của ông Obama khi lật đổ chế độ của Đại tá Gaddafi.

Khủng bố IS không xuất hiện trong diễn văn nhậm chức của ông Obama khi tiếp quản Nhà Trắng, nhưng chắc sẽ chiếm phần nhiều trong diễn văn từ biệt của Tổng thống Barak Obama. Nhưng có lẽ “tinh thần chiến thắng Ramadi” chưa thể là niềm vui cho ông Obama trong lời từ biệt khi nói về những kẻ khát máu này.

Tổng thống Obama còn nhiều trăn trở về những dự định dở dang. Ảnh: The Telegraph.
Tổng thống Obama còn nhiều trăn trở về những dự định dở dang. Ảnh: The Telegraph.

Có thể Tổng thống Nga Putin chưa “thuyết phục” được Tổng thống Obama gỡ cấm vận trước khi ông Obama rời khỏi chiếc ghế quyền lực, nhưng với tình hình hỗn loạn hiện tại thì coi như con bài Ukraine đã hết công dụng để ông Obama đặt dấu ấn của mình lên biên giới của nước Nga. 

Ông Obama có chủ đích chuyển trọng tâm trong chiến lược quan hệ đối ngoại của nước Mỹ hướng về phía Châu Á – Thái Bình Dương, Nhưng xem ra ông Obama chỉ đóng vai trò là người “cắm đất” chứ chưa thể “xây móng” tại đây. Nếu ông Obama không thuyết phục được Quốc hội thông qua TPP – nghĩa là TPP chưa được hiện thực hóa qua những hoạt động thương mại giữa Mỹ với các đối tác. 

Đấy là một kế hoạch mang tầm chiến lược mà nếu ông Obama phải chấp nhận dở dang thì nó sẽ gây ra một hệ quả “mất cả chì lẫn chài” khi phía các đồng minh bên bờ Đại Tây Dương cũng đã xuống tầm trong quan hệ với Mỹ.

Thậm chí EU có thể phá rào nhằm tạo điều kiện cho Nga giảm nhẹ hậu quả của cấm vận để đổi lấy việc Nga giúp giải quyết vấn đề khủng hoảng dân nhâp cư đang quá sức chịu đựng của họ.

Đang là một Tổng thống đương quyền nhưng ông Obama đã trở nên nhạt nhòa trước sự bùng nổ của ứng cử viên Donald Trump khi ông ta bắt đầu cuộc đua nhằm kế vị ông Obama. Người ta suy nghĩ hình như tất cả những gì ông Trump nêu ra là để cho ông Obama thực hiện.

Người ta cảm nhận Ông Donald Trump đang là người lèo lái nước Mỹ thì có vẻ hợp lý hơn.

“Khi người Hồi giáo bị chính trị gia xúc phạm, khi một nhà thờ Hồi giáo bị phá hoại, hoặc một đứa trẻ bị bắt nạt, điều đó không làm cho chúng ta an toàn hơn. Điều đó không nói lên bản chất của vấn đề. Đó là sai lầm. Điều đó làm giảm giá trị của chúng ta trong con mắt của bạn bè thế giới”, ông Obama nói về những nguy hại của Donald Trump liên quan đến sự an toàn của nước Mỹ và ảnh hưởng đến quyền lực của ông. 

Có lẽ để việc hoàn tất những công việc còn dang dở sẽ gặp nhiều khó khăn nên ông Obama đã lên tiếng kêu gọi lưỡng viện Quốc hội: "Tương lai chúng ta muốn - cơ hội làm việc và an toàn cho cuộc sống gia đình - một tiêu chuẩn cao của mức sống. Và đảm bảo một hành tinh hòa bình bền vững cho trẻ em của chúng ta - tất cả những điều đó đều trong tầm tay, nhưng nó sẽ chỉ xảy ra nếu chúng ta làm việc cùng nhau".

Dù còn đang tiếp tục làm việc, nhưng Thông điệp Liên bang cuối cùng của Tổng thống Barak Obama có thể được xem như sự tổng kết những gì đã làm được và những gì chưa làm được trong thời gian nắm quyền của Tổng thống Obama.

Nhưng với những điều mà ông Obama đã nêu lên trong Thông điệp Liên bang năm 2016 thì có thể thấy rằng Tổng thống Obama đã không thành công trong cuộc đời làm Tổng thống của mình, dù ông rất cố gắng và để lại nhiều thiện cảm cho người dân Mỹ cũng như nhiều người dân trên toàn thế giới.

Ngọc Việt