Nhật sử dụng dịch vụ ở Cam Ranh, tập trận chung với Việt Nam là chuyện đáng mừng

08/11/2015 06:19
Hồng Thủy
(GDVN) - Việt Nam cần phải có đủ khả năng và trình độ, thậm chí cần sự giúp đỡ của bạn bè để bảo vệ mình. Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam...

Báo Asahi Nhật Bản ngày 7/11 đưa tin, Nhật Bản và Việt Nam nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng để chống lại những mối đe dọa trên Biển Đông, bao gồm các bài diễn tập chung trên biển và việc tàu quân sự Nhật Bản được phép cập cảng Cam Ranh của Việt Nam từ năm 2016 để sử dụng các dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, tiếp tế nhu yếu phẩm.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani. Ảnh: Hồng Pha.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani. Ảnh: Hồng Pha.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani đã đến thăm cảng Cam Ranh và sau đó hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hôm 6/11. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận rộng rãi về việc phát triển hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương. Vịnh Cam Ranh cách quần đảo Trường Sa khoảng 460 km. Việt Nam hiện đang xây dựng cầu cảng cho tàu thuyền nước ngoài vào Cam Ranh sử dụng các dịch vụ hậu cần, tiếp tế.

Cơ sở này dự kiến sẽ được hoàn thành năm 2016 và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ là khách hàng. Trong cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng đồng ý rằng sự ổn định của các tuyến đường biển đóng vai trò quan trọng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh hoan nghênh những đóng góp tích cực của Nhật Bản qua những nỗ lực vì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Theo VOV chiều 6/11 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani. "Vấn đề Biển Đông là vấn đề quan trọng sống còn không chỉ đối với các nước có liên quan, mà còn đối với cả khu vực", ông Nakatani khẳng định. Theo báo Tuổi Trẻ, cũng trong buổi chiều ngày 6/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani đã đền chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong một động thái có liên quan, The Japan Times hôm 6/11 cho biết, ngày Thứ Sáu vừa qua Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục đánh dấu một tư thế mạnh mẽ hơn nữa về vai trò của Nhật Bản ở Biển Đông. Phát biểu trong một hội nghị chuyên đề tại Tokyo, ông cho biết Nhật Bản có kế hoạch tập hợp hợp tác quốc tế và phát huy vai trò của luật pháp quốc tế về hàng hải khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hội nghị thượng đỉnh APEC tại Philippines trong tháng này.

Một số quan chức quân sự, ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ đã yêu cầu Thủ tướng Shinzo Abe và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tuần tra chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông. Thủ tướng Shinzo Abe có thể tính toán rằng làm như vậy cũng là vì lợi ích của chính Nhật Bản. Đó là một khoản đầu tư chiến lược bảo vệ lợi ích của Nhật trong khu vực, đặc biệt là tuyến hàng hải huyết mạch qua Biển Đông. Mặt khác duy trì liên minh quân sự với Hoa Kỳ là việc quan trọng.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Bình luận về động thái này, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:

"Hoạt động hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản trên Biển Đông là hoạt động ngoại giao quân sự hết sức bình thường trong khu vực cũng như trên quốc tế, đồng thời có ý nghĩa và rất đáng hoan nghênh. Các nước trong khu vực cũng như trên thế giới thường xuyên triển khai những hoạt động hợp tác quân sự, quốc phòng tương tự nên điều này không có gì lạ.

Việc tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng dịch vụ hậu cần kỹ thuật, cung cấp tiếp liệu tại Cam Ranh là hết sức bình thường, theo đúng chủ trương nhất quán của Việt Nam về cảng Cam Ranh và ở đây Nhật Bản là một khách hàng đáng chào đón. Việc hai nước hợp tác tập trận chung trên biển cũng là hoạt động hợp tác quân sự hết sức bình thường, không nhằm vào bên thứ 3 cụ thể nào, càng không phải để khiêu khích hay gây hấn với bất kỳ ai.

Nhưng trong bối cảnh không gian chiến lược, chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam bị đe dọa, Việt Nam cần phải có đủ khả năng và trình độ, thậm chí cần sự giúp đỡ của bạn bè để bảo vệ mình. Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam nâng cao đáng kể năng lực phòng thủ và khả năng tác chiến, đó là việc đáng mừng.

Còn nếu nước nào đó cho rằng hoạt động này là nhằm vào họ thì bản thân họ hãy xem lại mình có đe dọa độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, không gian sinh tồn chiến lược của láng giềng, cụ thể là Việt Nam hay không. Nếu không có ý tưởng đó thì không có gì phải lo ngại, vì Việt Nam chỉ nâng cao năng lực phòng thủ tự vệ chứ không đi gây chiến, chưa từng hung hăng hiếu chiến với quốc gia dân tộc nào khác"

Hồng Thủy