DƯ LUẬN BÁO CHÍ TRUNG QUỐC:

Nhật-Ấn-Mỹ đối thoại chiến lược kiềm chế Trung Quốc

15/11/2011 13:42
Việt Dũng (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang có nhiều thay đổi, nhất là quan hệ giữa các chủ thể lớn trong quan hệ quốc tế.

Tuần san “Tin tức Quốc phòng” Mỹ ngày 13/11 đưa tin, một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ sẽ tổ chức đối thoại chiến lược vào trước cuối năm.

Một số nhà quan sát cho rằng, động thái này là nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng cũng có người cho rằng, đây là kết quả phát triển tự nhiên từ sự trỗi dậy của cường quốc khu vực mới.

Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng, năm 2009, 3 nước Ấn-Nhật-Mỹ từng định tổ chức đối thoại chiến lược 3 bên tương tự, nhưng không thể toại nguyện do sự ngờ vực của Bắc Kinh.

Mỹ và Nhật Bản tập trận chung trên biển
Mỹ và Nhật Bản tập trận chung trên biển

Một quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ cho rằng, hội đàm 3 bên lần này nhằm mở rộng đối thoại ở khu vực này, chứ không phải là tạo sự chia rẽ giữa các nước. Vị quan chức này nói, đối thoại tuyệt đối không phải là chống Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Rahul cho biết, hội nghị 3 bên Ấn-Nhật-Mỹ phản ánh quan hệ giữa các nước trong khu vực đang có sự thay đổi.

Rahul cho rằng: “Đang xuất hiện nhiều sự tổ hợp khác nhau: Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là một loại; Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là một loại; mà Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản là một loại. Vì vậy, không cần coi nó là một quan hệ mang tính đối đầu, điều này có thể là tiến trình tự nhiên thay đổi trật tự toàn cầu vô cực hóa, có nhiều người tham gia chứ không phải 1-2 người tham gia chính như chúng ta đã quen”.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Ấn Độ Shamshad Khan cho rằng, Bắc Kinh rất có thể phản đối cuộc đối thoại này như 2 năm trước, “một khuôn khổ không có sự tham gia của Trung Quốc đương nhiên sẽ khiến cho các nhà tư tưởng chiến lược của Bắc Kinh có sự hiểu nhầm. Vì vậy, khung hợp tác này cũng rất có thể gây sự lo ngại tương tự cho Trung Quốc”.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Nitin Mehta cho biết, ông nghi ngờ đối thoại Ấn-Nhật-Mỹ có mục đích ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy tại khu vực này. Ông chỉ ra, Washington muốn để New Delhi phát huy vai trò tích cực, chủ động hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhật Bản và Ấn Độ đang tăng cường quan hệ song phương
Nhật Bản và Ấn Độ đang tăng cường quan hệ song phương

Nhưng Rahul cho rằng, đối thoại lần này chủ yếu là để duy trì sự cân bằng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ông nói: “Ấn Độ và Trung Quốc cạnh tranh đã nửa thế kỷ, nhưng lịch sử cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc dài hơn, họ sẽ buộc phải thông qua tăng cường tiếp xúc với Ấn Độ để cân bằng quan hệ Nhật-Trung, đặc biệt là khi quan hệ quốc phòng Nhật-Mỹ yếu đi”.

Các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, đầu tháng này, tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony đã tổ chức hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa, thảo luận các vấn đề chiến lược và quốc phòng.

Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã tổ chức gặp gỡ, hai nước quyết định ký kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự, đồng thời tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khai thác đất hiếm. Rahul nói, hợp tác hải quân cũng là một lĩnh vực hợp tác rất khả thi.

Việt Dũng (Theo báo Quang Minh)