Nhiếp ảnh gia Nick Út hội ngộ các nhân vật trong bức ảnh "Em bé napal"

02/05/2015 08:03
Nguyễn Hường
(GDVN) - Nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt Nick Út đã có cuộc hội ngộ đầy thú vị với các nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng của mình mang tên "Em bé napal".

Tờ Guardian ngày 30/4 đưa tin, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam thống nhất đất nước, nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt đã có cuộc hội ngộ đầy thú vị với các nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng của mình mang tên "Em bé napal".

Nhiếp ảnh gia Nick Út và bà Hồ Thị Hiền, một trong những nhân vật xuất hiện trong bức ảnh "Em bé napal" tại làng Trảng Bàng tháng 4/2015.
Nhiếp ảnh gia Nick Út và bà Hồ Thị Hiền, một trong những nhân vật xuất hiện trong bức ảnh "Em bé napal" tại làng Trảng Bàng tháng 4/2015.

Bức ảnh được chụp ngày 8/6/1972 tại làng Trảng Bàng, miền Nam Việt Nam. Trong hình ảnh là một nhóm trẻ em nhiều độ tuổi khác nhau, nổi bật nhất là một bé gái trần truồng với khuôn mặt hoảng hốt đang gào khóc đi phía trước một nhóm lính Mỹ trên một con đường nhỏ. Phía sau họ màn khói đen dày đặc bao trùm cả ngôi làng vừa được tạo ra bởi một vụ oanh tạc của máy bay ném nom Mỹ. 

Khi đó, nhân vật chính trong bức ảnh, Kim Phúc, mới 9 tuổi. Cô đã lột hết quần áo để ngăn chất độc napal bám trên da. Những đứa trẻ khác trong bức ảnh là anh em họ của cô, bao gồm Hồ Thị Hiền (người chị dắt tay em bỏ chạy ở bên phải bức ảnh). Bà Hiền đang chơi ở nhà họ hàng khi máy bay ném bom napal.

Bức ảnh này sau khi được công bố đã tạo lên cơn sóng lớn trong dư luận quốc tế về hiện thực của cuộc chiến tranh Việt Nam và thúc đẩy phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam trên thế giới. Nó cũng đã đem lại cho tác giả giải thưởng Pulitzer cao quý.

"Mỗi lần nghe thấy tiếng máy bay, tôi đều cảm thấy sợ hãi", bà Hồ Thị Hiền, 56 tuổi, chia sẻ ký ức của hơn 40 năm trước trong cuộc gặp gỡ với nhiếp ảnh gia Nick Út. Bà Hiền hiện là chủ một quán cà phê nhỏ nằm ven đường trong làng Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. 

Nick Út và Kim Phúc, người đang sống tại Toronto (Canada) trong cuộc hội ngộ năm 2012.
Nick Út và Kim Phúc, người đang sống tại Toronto (Canada) trong cuộc hội ngộ năm 2012.

"Họ giống như người thân trong gia đình tôi", ông Nick Út nói khi kể về gia đình bà Hiền. Ông đều đến Trảng Bàng ghé thăm gia đình bà mỗi dịp về Việt Nam.

Người anh họ của Kim Phúc, Phan Thanh Tâm (cậu bé ở bên trái bức ảnh) đã bị mất một mắt trong vụ tấn công năm 1972. Ông đã qua đời vì bệnh ung thư cách đây vài năm. 

Trở lại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, nhiếp ảnh gia Nick Út không quên làm đầy hành trang của mình những bức ảnh về một Sài Gòn mới, hòa bình. Tuy nhiên đối với ông, ông có thể chụp được nhiều bức ảnh mới và ấn tượng, nhưng sẽ không có gì so sánh được với bức ảnh "Em bé napal". 

"Anh trai tôi cũng là một nhiếp ảnh gia rất cừ. Tôi thực sự rất yêu quý anh ấy. Mỗi khi đi công tác về, anh cho vợ anh và tôi xem rất nhiều bức ảnh, trong đó có nhiều hình ảnh về người chết, chiến tranh. Anh ấy rất  giận dữ và thề sẽ có một ngày anh sẽ chụp được bức ảnh về sự chấm dứt chiến tranh. Nhưng anh ấy không có cơ hội làm được điều đó. Khi anh ấy qua đời, tôi đã tiếp tục công việc của anh ấy. Khi chụp được tấm hình về Kim Phúc, tôi đã nhủ thầm với anh ấy rằng tôi đã hoàn thành được nguyện vọng của anh ấy", Nick Út chia sẻ khi rời Trảng Bàng. 

Nguyễn Hường