Những điểm tương đồng thú vị giữa Tập Cận Bình và Shinzo Abe

03/01/2014 14:17
Hồng Thủy
(GDVN) - Tính cách và bối cảnh xuất thân của 2 ông tương tự nhau, cả hai cùng lấy chủ nghĩa dân tộc làm động lực mạnh mẽ và họ khai thác điều này để củng cố vị trí.
Tập Cận Bình và Shinzo Abe có khá nhiều điểm tương đồng.
Tập Cận Bình và Shinzo Abe có khá nhiều điểm tương đồng.
Bưu điện Hoa Nam ngày 3/1 đưa tin, sự tương đồng trong giáo dục và quan trọng hơn là các mục tiêu kinh tế giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tạo ra lối thoát cho xung đột đang leo thang giữa Bắc Kinh và Tokyo sau khi ông Abe viếng đền Yasukuni.

Trong khi hai ông đang lãnh đạo 2 nước có hệ thống chính trị khác nhau, nhưng cả Tập Cận Bình và Shinzo Abe đều là "con ông cháu cha" xuất thân từ gia đình chính khách ưu tú, đã phải chịu những thất bại cá nhân hoặc chính trị nghiêm trọng nhưng đều có tầm nhìn yêu nước trong tương lai.

2 nguyên thủ Đông Á này có sự tương đồng trên nền tảng chương trình nghị sự quốc gia và phát triển kinh tế. Cả Tập Cận Bình và Shinzo Abe đang tìm cách trẻ hóa đất nước mình, nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới.

"Những đặc điểm tính cách và bối cảnh xuất thân của 2 ông tương tự nhau, cả hai cùng lấy chủ nghĩa dân tộc làm động lực mạnh mẽ và họ khai thác điều này để củng cố vị trí của mình", Willy Lam, một chuyên gia chính trị Trung Quốc từ đại học Hồng Kông cho biết.
Shinzo Abe và Tập Cận Bình cùng lên nắm quyền từ cuối năm 2012. Tập Cận Bình thúc đẩy những gì ông gọi là "giấc mơ Trung Quốc" và "phục hưng dân tộc Trung Hoa", tuyên bố xây dựng một quân đội mạnh mẽ hơn, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và làm trong sạch đảng cầm quyền đang đối mặt với nạn tham nhũng và chia rẽ.
2 vị nguyên thủ xuất thân vương hầu này đều tận dụng tối đa chủ nghĩa dân tộc để củng cố quyền lực.
2 vị nguyên thủ xuất thân vương hầu này đều tận dụng tối đa chủ nghĩa dân tộc để củng cố quyền lực.

Trong khi đó Thủ tướng Nhật Bản Abe tuyên bố sẽ trẻ hóa nền kinh tế đãng trì trệ của Nhật Bản sau 2 thập kỷ "mất mát", sửa đổi hiến pháp để hiện đại hóa quân đội và có cái nhìn tích cực hơn về quá khứ của Nhật Bản.

Tập Cận Bình năm nay 60 tuổi, là con trai Tập Trọng Huân, một trong "bát đại nguyên lão  khai quốc công thần" của Bắc Kinh, lớn lên trong bối cảnh bất ổn chính trị, kinh tế và chứng kiến cha mình từng bị bỏ tù trong Cách mạng Văn hóa còn bản thân thì bị điều về nông thôn, để lao động.

Shinzo Abe 59 tuổi, con trai một cựu Ngoại trưởng và là cháu nội 1 cựu Bộ trưởng Công nghiệp chiến tranh của Nhật Bản, người đã bị bỏ tù trong thời gian Mỹ chiếm đóng.

Trung Quốc có đội quân lớn nhất thế giới và Tập Cận Bình đã đi kiểm tra tàu sân bay đầu tiên của mình trong khi Shinzo Abe đang tìm cách tăng chi tiêu quân sự lần đầu tiên trong nhiều năm. Ông Cũng mặc đồ nhà binh và ngồi lên 1 chiếc xe tăng, 1 chiếc máy bay huấn luyện.

Katsuhiko Meshino, một cây viết chính của tờ Nikkei nhận xét, chuyến viếng lăng Mao Trạch Đông của Tập Cận Bình và đi thăm đền Yasukuni của Shinzo Abe cho thấy cả 2 đã khẳng định những quan điểm cá nhân mình về lịch sử, có vẻ như 2 nhà lãnh đạo đang theo đuổi "cái bóng của quá khứ" thay vì tìm ra một lộ trình mới cho quốc gia.

Hồng Thủy