Những kẻ bắt cóc ở Algeria đòi đàm phán chấm dứt chiến tranh tại Mali

19/01/2013 06:04
Nguyễn Hường (nguồn Daily Mail, Lenta)
(GDVN) - Theo ANI, trong đoạn video gửi tới chính phủ Mỹ và Pháp, trùm khủng bố Belmuhtar không chỉ đề cập tới hoạt động trao đổi tù binh mà còn muốn bắt đầu một cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh tại Mali.

Mukhtar Belmuhtar, lãnh đạo nhóm khủng bố tấn công một nhà máy khí ở Algeria, đã đề nghị các nhà chức trách Mỹ thảo luận về việc trao đổi con tin.

Mukhtar Belmuhtar - thủ lĩnh những kẻ khủng bố khống chế nhà máy khí BP.
Mukhtar Belmuhtar - thủ lĩnh những kẻ khủng bố khống chế nhà máy khí BP.

Tờ The Guardian dẫn thông tin từ ANI, cơ quan thông tấn có mối liên hệ chặt chẽ với những người Hồi giáo, ngày 18/1 cho biết Belmuhtar tuyên bố sẵn sàng trao đổi những con tin người Mỹ lấy sự tự do của 2 người Ai Cập tên là Omar Abdel-Rahman và Aafia Siddiqu đang bị giam giữ trong nhà tù tại nước này. 
Chính xác có bao nhiêu người Mỹ đang là con tin của những kẻ khủng bố không được tiết lộ.
Được biết, Abdel-Rahman bị kết án chung thân năm 1995 vì mưu sát cựu Tổng thống Hosni Mubarak và cố gắng đánh bom trụ sở Liên Hợp Quốc, FBI ở Manhattan, 2 đường hầm và 2 cây cầu ở New York.
Siddiqui bị kết án 86 năm tù trong năm 2010 vì âm mưu sát hại nhân viên FBI và nhân viên quân sự của Mỹ.

Toàn cảnh nhà máy khí BP, nơi những kẻ khủng bố bắt giữ hàng chục nhân viên nhà máy làm con tin suốt 3 ngày qua.
Toàn cảnh nhà máy khí BP, nơi những kẻ khủng bố bắt giữ hàng chục nhân viên nhà máy làm con tin suốt 3 ngày qua.

Theo ANI, trong đoạn video gửi tới chính phủ Mỹ và Pháp, trùm khủng bố Belmuhtar không chỉ đề cập tới hoạt động trao đổi tù binh mà còn muốn bắt đầu một cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh tại Mali.
Reuters ngày 18/1 cho biết, những kẻ khủng bố đã bắt giữ 650 người, trong đó 573 người Algeria đã chạy thoát an toàn, tại nhà máy khí BP làm con tin. Trong khi đó, số liệu thống kê ban đầu là 291 con tin. Hiện vẫn chưa rõ về số phận của 60 trong số 173 con tin người nước ngoài cũng như hàng chục chiến binh Hồi giáo.
Trong hoạt động giải cứu con tin ngày thứ hai (18.1) của quân đội Algeria đã có hàng cục con tin cùng 11 phiến quân thiệt mạng. Theo một số báo cáo, những kẻ bắt cóc vẫn tiếp tục kháng cự mạnh mẽ trước các cuộc súng kích của quân đội Algeria tại các trạm sản xuất khí.
Theo chính phủ Anh, Pháp và Na Uy, các hoạt động tìm và giải thoát các con tin vẫn tiếp tục. Mỹ cũng đã gửi tới khu vực nhà máy khí một số máy bay không người lái để hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tìm kiếm các con tin.

Xe tăng của quân đội Algeria triển khai gần nhà máy khí BP trong hoạt động giải cứu con tin.
Xe tăng của quân đội Algeria triển khai gần nhà máy khí BP trong hoạt động giải cứu con tin.

Cuộc tấn công bất ngờ của những kẻ khủng bố tại nhà máy khí BP đã khiến nhiều công nhân và chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Algeria đang lũ lượt rời bỏ đất nước này.
Chủ sở hữu nhà máy khí BP cũng đã cho di tản các nhân viên nước ngoài. Trong hai ngày 17-18/1 đã có 3 chuyến bay chở hàng trăm người nước ngoài rời khỏi Algeria.

Ít nhất 12 công dân Anh đã chết hoặc mất tích trong cuộc giải cứu con tin bất thành của quân đội Algeria và 30 người khác vẫn còn mất tích - Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra những chi tiết đáng sợ về cuộc khủng hoảng con tin tại sa mạc Sahara hôm 18/1.

Ông Cameron cho biết, quân đội Algeria vẫn đang tiếp tục tiến hành các hoạt động giải cứu con tin trên mặt đất và tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, phía Algeria không tiết lộ thông tin chi tiết về hoạt động này cũng như con số thương vong chính thức.

Trong khi đó, Tokyo cũng đã triệu tập Đại sứ Algeria yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết hơn về cuộc khủng hoảng con tin tại quốc gia này, trong đó được cho là có 14 người Nhật Bản.  
Nguyễn Hường (nguồn Daily Mail, Lenta)