Những người tự trọng

31/03/2016 07:06
Ngọc Việt
(GDVN) - Người thắng kẻ thua trong cuộc bầu cử tự do dân chủ tại Myanmar đều tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo việc chuyển giao quyền lực theo đúng trình tự.

BBC ngày 30/3 đưa tin, tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, vị lãnh đạo dân sự đầu tiên trong hơn 50 năm tại đất nước này, đã tuyên thệ nhậm chức. Sự kiện chuyển giao ngày 30/3 hoàn tất quá trình thay đổi, bắt đầu từ sau khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tháng 11/2015.

Tổng thống Myanmar Htin Kyaw sẽ bắt đầu điều hành chính quyền Myanmar từ tháng 4/2016 và vai trò của NLD trên vũ đài chính trị tại Myanmar cũng thực sự bắt đầu từ đây. Đất nước và nhân dân Myanmar cũng bắt đầu được quản lý bởi một chính quyền mà họ gửi niềm tin và nuôi hy vọng.

Các quốc gia trên thế giới có quan hệ hay có ý định thiết lập quan hệ với Myanmar cũng bắt đầu làm việc với một chính quyền mới được hình thành sau một cuộc bầu cử tự do và dân chủ.

Từ đây, sự độc tài hay chuyên chế, chính quyền quân sự hay bán dân sự không còn là khái niệm mà lịch sử chính trị thế giới đề cập đến chế độ chính trị tại Myanmar, đến nhà nước Myanmar.

Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw cùng hai Phó Tổng thống tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: EPA.
Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw cùng hai Phó Tổng thống tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: EPA.

Rất nhiều người cho rằng, với chiến thắng của NLD trong cuộc bầu cử tháng 11/2015, với việc chính quyền của cựu Tổng thống Thein Sein chấp nhận kết quả bầu cử và rời khỏi vũ đài chính trị bằng việc công nhận kết quả đắc cử Tổng thống của ông Htin Kyaw, nền dân chủ của Myanmar đã được khẳng định giá trị trong đời sống chính trị tại quốc gia này.

Tuy nhiên, như người viết đã từng phân tích, giá trị của nền dân chủ tại Myanmar không chỉ là sự đổi thay mà nó là sự khẳng định giá trị những nguyên lý, nguyên tắc được người ta xây dựng nên làm nền tảng cho hoạt động chính trị - xã hội.

Vì vậy, sự kiện tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw tuyên thệ nhậm chức không chỉ có giá trị là hoàn tất một giai đoạn và mở đầu một giai đoạn mới trong quá trình đổi thay tại Myanmar. Nó đã chứng minh những nguyên tắc được xem là nền tảng của đời sống chính trị đã được tôn trọng và tuân thủ tại đất nước này.

Thượng tôn pháp luật – nền tảng quyền lực

Chiến thắng vang dội của NLD và thất bại toàn diện của đảng cầm quyền được quân đội hậu thuẫn là nằm ngoài sự tính toán của những người trong cuộc. Sự choáng váng ấy đến với cả người chiến thắng và kẻ thất bại, cùng với đó là sự phấn khích trong mừng vui chiến thắng và sự buồn bã trong thất bại nặng nề.

Tuy nhiên cả người thắng kẻ thua trong cuộc bầu cử tự do dân chủ tại Myanmar đều tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo việc chuyển giao quyền lực theo đúng trình tự và tuân thủ nguyên tắc. Người chiến thắng không thể nóng vội vì không thể phá vỡ nguyên tắc. Người thất bại không thể ra đi ngay vì luật pháp đảm bảo quyền lực của họ đến thời điểm chuyển giao.

Những người tự trọng ảnh 2

Không làm Tổng thống là may

(GDVN) - Giữ được sự ổn định – yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển đất nước, điều mà người dân Myanmar kỳ vọng khi trao quyền lực và gửi niềm tin.

Cựu Tổng thống Thein Sein đã từng cam kết: “Chúng tôi sẽ bảo đảm việc chuyển giao quyền lực diễn ra êm thấm, ổn định, có trình tự, không phải lo gì cả”, theo BBC ngày 15/11/2015.

Và khi Tổng thống Myanmar Htin Kyaw cùng hai Phó Tổng thống Myint Swe và Henry Van Thio tuyên thệ trước Quốc hội: "Tôi, Htin Kyaw, xin trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, cam kết tôn trọng Hiến pháp và luật pháp quốc gia", tính nguyên tắc đã được đảm bảo xuyên suốt trong quá trình chuyển giao quyền lực tại Myanmar.

Luật pháp là những nguyên tắc được xây dựng nên và được lực lượng cầm quyền sử dụng trong việc thực thi quyền lực nhân dân. Luật pháp là công cụ của nhà nước trong điều hành và quản lý xã hội.

Luật pháp là nguyên tắc có tính bắt buộc tôn trọng và tuân thủ đối với cả người dân lẫn lực lượng cầm quyền trong xã hội. 

Người ta nói nhiều đến cuộc đổi thay chính trị tại Myanmar bởi tính nhân văn của những người về trước kẻ về sau trong một cuộc bầu cử. Nay với thái độ thượng tôn pháp luật của những người trong cuộc càng chứng tỏ tinh thần trách nhiệm rất cao của những người nắm giữ vận mệnh quốc Myanmar.

Họ nghiêm túc với công việc, họ nghiêm khắc với chính mình – qua đó họ chứng minh mình là những người biết cùng nhau khắc phục “sai lầm của lịch sử”.

Gần nửa năm trôi qua kể từ khi cuộc bầu cử diễn ra cho đến nay, truyền thông nói nhiều đến phe quân sự tại Myanmar có động thái này, động thái khác nhằm kiềm chế quyền lực của chính quyền NLD.

Còn NLD thì tìm cách tháo gở rào cản để dễ dàng thực thi quyền lực. Tuy nhiên cho đến nay không có một hành động nào diễn ra vượt ngoài quy định của Hiến pháp và pháp luật của Myanmar.

Lãnh tụ NLD Aung San Suu Kyi xin lỗi nhân dân Myanmar vì không trở thành người đứng đầu đất nước, đảm bảo tuân thủ Hiến pháp Myanmar. Ảnh: AP.
Lãnh tụ NLD Aung San Suu Kyi xin lỗi nhân dân Myanmar vì không trở thành người đứng đầu đất nước, đảm bảo tuân thủ Hiến pháp Myanmar. Ảnh: AP.

Có thể sắp tới, với vị thế của mình NLD sẽ có những hành động nhằm cải cách, bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp với tình hình đất nước và đảm bảo có thực quyền. Song việc họ và phe quân sự tuân thủ pháp luật hiện hành đã chứng minh cho nhân dân Myanmar rằng, niềm tin mà họ gửi trao cho NLD đã không bị đánh cắp.

"Chính phủ mới của chúng tôi sẽ thực hiện hòa giải dân tộc, giữ gìn hòa bình cho đất nước. Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng một bản Hiến pháp mới sẽ mở đường cho một liên minh dân chủ và nâng cao mức sống của người dân.

Chúng tôi có nhiệm vụ phải xây dựng được một bản Hiến pháp mới phù hợp với tình hình đất nước, phù hợp với các tiêu chuẩn dân chủ mà chúng tôi theo đuổi", Tổng thống Htin Kyaw cho biết.

Chủ quyền quốc gia – sức mạnh quyền lực 

Trong khoa học chính trị, phạm trù chủ quyền quốc gia được sử dụng để khẳng định sự tồn tại của một chế độ chính trị, một nhà nước đại diện cho ý chí dân tộc và quyền lực nhân dân.

Chủ quyền quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng nhất hình thành nên sức mạnh quốc gia. Khi chủ quyền quốc gia bị đe doạ thì sức mạnh quốc gia bị suy giảm, chế độ chính trị đứng trước thách thức của sự tồn vong.

Những người tự trọng ảnh 4

Không chỉ là đổi thay

(GDVN) - Nhân dân là chủ thể của lịch sử dân tộc, họ viết nên những trang sử oai hùng hay đau thương cũng đều rất công bằng với thực tế.

Vì vậy giữ vững chủ quyền quốc gia luôn là nguyên tắc phải được bảo đảm xuyên suốt trong quá trình đổi thay nền chính trị quốc gia hay trong quá trình vận hành của hệ thống chính trị tại một đất nước.

Lực lượng cầm quyền, dù được uỷ thác hay không được uỷ thác quyền lực của nhân dân, đều phải giữ vững chủ quyền quốc gia, bởi lẽ khi mất chủ quyền thì mọi sinh hoạt trong đời sống chính trị - xã hội sẽ bị đảo lộn, thậm chí không thể diễn ra được.

Có thể thấy rằng, từ khi cuộc bầu cử diễn ra có kết quả - báo hiệu quyền lực sẽ phải chuyển giao – cho đến khi Tổng thống Htin Kyaw nhậm chức, chủ quyền quốc gia của Myanmar luôn được bảo đảm. Cà NLD và chính quyền bán dân sự đều không có bất cứ hành động nào làm ảnh hưởng đến sức mạnh của chủ quyền quốc gia Myanmar.

Cựu Tổng thống Thein Sein cũng như những nhà lãnh đạo quân đội Myanmar không hề cho thấy sự lơ là trong công việc bởi tâm lý thất bại hay “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Những người phải ra đi sau khi thất bại trong một cuộc bầu cử cũng không hề liên hệ với lực lượng ngoại bang nào để đánh đổi chủ quyền quốc gia cho những lợi ích cá nhân, đảng phái.

Và cũng không có sức mạnh ngoại bang nào gây ảnh hưởng được với lãnh tụ Aung San Suu Kyi và NLD trong quá trình chuẩn bị và tiếp nhận quyền lực, đại diện cho chủ quyền quốc gia Myanmar.

Cựu Tổng thống Thein Sein – người đóng góp rất lớn trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, dù đảng của ông phải nhường lại vũ đài chính trị. Ảnh: BBC.
Cựu Tổng thống Thein Sein – người đóng góp rất lớn trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, dù đảng của ông phải nhường lại vũ đài chính trị. Ảnh: BBC.

Cho đến lúc này có thế thấy rằng, chính quyền mới do NLD nắm giữ tại Myanmar hoàn toàn độc lập, tự chủ trong quan hệ bang giao quốc tế. Điều này giúp cho sức mạnh của chính quyền mới được đảm bảo, quyền lực nhân dân được khẳng định.

Nghị sĩ THIRI Yadana, thành viên NLD, cho biết: "Tổng thống Htin Kyaw cam kết rằng ông sẽ làm việc vì đất nước… Đó là một bước tiến lớn đối với đất nước chúng tôi và điều đó có được là do tất cả mọi người đều cùng nhìn về tương lai phía trước”, theo Reuters ngày 30/3.

Trong khi trên thế giới đây đó vẫn có rất nhiều chế độ chính trị, nhiều lực lượng cầm quyền đã xem nhẹ nguyên tắc này dẫn đến hại dân hại nước. Với lực lượng cầm quyền khi xác định không cỏn quyền lực thì họ nhanh chóng vơ vét cho lợi ích cá nhân, bỏ mặc xã tắc, dân tình.

Còn với lực lượng được nhân dân uỷ thác quyền lực thì họ lại không dựa vào sức mạnh của dân mà lại hy vọng vào những sự hào phóng của một thế lực ngoại bang nào đó để rồi lệ thuộc, phụ thuộc, thậm chí bán nước cầu vinh.

Vì vậy, một cuộc đổi thay mang tầm cỡ một cuộc cách mạng xã hội tại Myanmar mà nguyên tắc giữ vững chủ quyền quốc gia được đảm bảo bởi những người trong cuộc lại thể hiện một nét nhân văn nữa trong cuộc đổi thay lớn lao này.

Nó giữ cho người dân và đất nước Myanmar tất cả những gì có được trong bao năm qua để tạo nên nguồn lực cho công cuộc dựng xây đất nước.

Những gì đã và đang diễn ra trên đất nước Myanmar thể hiện trách nhiệm của những con người có lương tri và lòng yêu nước, những việc họ làm hôm nay sẽ không phai mờ giá trị mà sẽ trường tồn cùng năm tháng và trở thành di sản để lại cho những thế hệ mai sau.  

Ngọc Việt