Obama là Tổng thống Mỹ thân thiện nhất với ASEAN

04/11/2016 07:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Obama tham gia sâu hơn vào khu vực ASEAN nhờ đối sách tập trung nhiều vào các vấn đề chiến lược thay vì xoáy vào các vấn đề nhạy cảm như dân chủ và nhân quyền.

Ngày 8/11 tới đây sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. The Straits Times ngày 4/11 bắt đầu đăng tải một loạt bài phân tích của 6 học giả thuộc Viện ISEAS - Yusof, Singapore đánh giá các di sản của Tổng thống Barack Obama ở Đông Nam Á, cũng như thách thức đối với chính quyền mới hậu Obama.

Trong đó học giả Tang Siew Mun, nghiên cứu viên cao cấp đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN nhận định, Obama là vị Tổng thống Mỹ thân thiện nhất đối với ASEAN.

Barack Obama đã thăm 9/10 nước thành viên ASEAN trong suốt 2 nhiệm kỳ của mình, trừ Brunei ông phải bất đắc dĩ hủy bỏ chuyến thăm vào năm 2013 để xử lý công việc nội bộ, ngăn chặn nguy cơ tê liệt hoạt động của chính phủ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: F3 News.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: F3 News.

Chính Barack Obama đã đưa Đông Nam Á vào chương trình nghị sự đối ngoại của Mỹ. Đó là chiến lược xoay trục, sau này đổi tên thành "tái cân bằng", giúp các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á yên tâm hơn sau 8 năm bỏ bê của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush.

Chính quyền Obama tham gia sâu hơn vào khu vực ASEAN nhờ đối sách tập trung nhiều vào các vấn đề chiến lược thay vì xoáy vào các vấn đề nhạy cảm như dân chủ và nhân quyền.

Trong 8 năm cầm quyền, ông Obama đã cải thiện quan hệ hữu nghị với Malaysia, Myanmar và Việt Nam. Tuy nhiên ông (có vẻ như) không thành công với Thái Lan, và Philippines (trong những tháng cuối cùng ở Nhà Trắng).

Trên thực tế, chính phủ mới ở Mỹ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để lấy lại sự hỗ trợ của 2 đồng minh hiệp ước an ninh Đông Nam Á, sau khi cả hai đều nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn trong thời gian gần đây.

Dưới sự lãnh đạo của ông Barack Obama, Mỹ đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác năm 2009. Hai năm sau đó, Mỹ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, diễn đàn chiến lược hàng đầu của khu vực.

Sự tham gia của Mỹ vào diễn đàn này là một sự thay đổi, tạo nền tảng giữ vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với khu vực. Nó cũng mở đường cho Washington tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, tăng cường hợp tác an ninh với khu vực từ song phương sang đa phương.

Mặc dù vẫn có những dấu hiệu đáng lo ngại khi Hiệp định TPP đang gặp khó khăn tại Quốc hội Hoa Kỳ cũng như cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhưng Đông Nam Á vẫn là nơi chứa đựng lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Đầu tiên, khu vực này nắm giữ hơn 200 tỉ USD tài sản đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ. Thứ hai, Mỹ có thể đánh mất chỗ đứng của mình ở Đông Nam Á nếu trao quyền "tối thượng" trong khu vực này cho đối thủ Trung Quốc.

Chính quyền mới hậu Obama sẽ phải chịu áp lực rất lớn để tìm ra cách trấn an các đối tác, đồng minh ở châu Á về chiến lược và cam kết của Mỹ đối với khu vực.

Tài liệu tham khảo:

http://www.straitstimes.com/opinion/obamas-legacy-in-south-east-asia

Hồng Thủy