Ông Tập Cận Bình kêu gọi Thường vụ Bộ chính trị đoàn kết quanh mình

09/01/2016 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Chiến dịch chống tham nhũng gần kết thúc và ông Tập Cận Bình đang bắt đầu thiết lập một trật tự mới.

South China Morning Post ngày 9/1 đưa tin, trong một động thái hiếm hoi, đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố chính thức rõ ràng kêu gọi Thường vụ Bộ chính trị đoàn kết về cả tư tưởng lẫn hành động xung quanh ông Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Feng Li/Getty.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Feng Li/Getty.

Lời kêu gọi được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi ông Tập Cận Bình nhắc nhở 24 ủy viên Bộ chính trị đoàn kết nhất trí xung quanh lãnh đạo của Ban chấp hành trung ương, một số nhà phân tích cho rằng cụm từ dùng để nhắc đến ông Tập Cận Bình.

Trong cuộc họp Thường vụ Bộ chính trị - 7 nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, các nhà lãnh đạo nên có nhận thức chính trị rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của đảng.

"(Họ nên) gắn kết cả về tư tưởng và hành động với sự lãnh đạo của Ban chấp hành trung ương mà đồng chí Tập Cận Bình lãnh đạo", Tân Hoa Xã trích tuyên bố hôm Thứ Năm cho biết. Trong hệ thống chính trị tại Trung Quốc có 4 lực lượng theo thứ tự là đảng Cộng sản Trung Quốc, bộ máy nhà nước, cơ quan lập pháp và cơ quan tư vấn chính trị.

Một số nhà phân tích tin rằng, 2 lần kêu gọi của ông Tập Cận Bình đối với 24 ủy viên Bộ chính trị và 6 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị còn lại là một nỗ lực tìm kiếm đảm bảo sự trung thành chính trị của các đồng nghiệp đối với mình.

Chen Daoyin, một giáo sư từ Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải lưu ý, cuộc họp của Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc thường được đưa tin rất ngắn gọn, thậm chí là không đưa tin.

"Chiến dịch chống tham nhũng gần kết thúc và ông Tập Cận Bình đang bắt đầu thiết lập một trật tự mới. Tập Cận Bình cần quyền lực nhiều hơn là chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế", Chen Daoyin nhận xét.

Trương Lập Phàm, một nhà bình luận chính trị từ Bắc Kinh thì cho rằng: "Năm 2016 có thể là năm khó khăn nhất đối với ông Tập Cận Bình. Các vấn đề về kinh tế có thể đe dọa vai trò của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông ấy cũng cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo hàng đầu cho đại hội 19."

Hồng Thủy