Philippines thăm dò Bãi Cỏ Rong, TQ sẽ kéo máy bay, tàu chiến ra chặn

26/01/2013 10:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh đã tuyên bố thẳng thừng, sẽ điều động chiến đấu cơ và tàu chiến ngăn chặn bất cứ hành động “thăm dò, khai thác” nào từ phía Philippines ở Bãi Cỏ Rong.

Chiến hạm đổ bộ 072 của hải quân Trung Quốc (hình minh họa)
Chiến hạm đổ bộ 072 của hải quân Trung Quốc (hình minh họa)

Ngày 20/1, chính phủ Philippines thông báo với các công ty dầu khí nước này tạm dừng việc khoan thăm dò, khai thác dầu khí tại Bãi Cỏ Rong (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – PV) mà Manila cho là nằm trong lãnh hải Philippines vì Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa sử dụng vũ lực ngăn chặn.
Hai năm trước Trung Quốc cũng đã từng can thiệp và ngăn chặn hoạt động thăm dò, khai thác của Philippines trên Bãi Cỏ Rong ở ngoài khơi Biển Đông cách đảo Palawan của Philippines 230 km. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó bao gồm cả quần đảo Trường Sa, Bãi Cỏ Rong và đang ngày càng tích cực thúc đẩy việc “thực thi chủ quyền” tại khu vực này. Bắc Kinh đã tuyên bố thẳng thừng, sẽ điều động chiến đấu cơ và tàu
chiến ngăn chặn bất cứ hành động “thăm dò, khai thác” nào từ phía Philippines ở Bãi Cỏ Rong. Chỉ riêng điều này đã đủ để đe dọa hầu hết các công ty dầu mỏ có dự định thăm dò, khai thác tại đây.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng thừa nhận họ đã điều tàu nghiên cứu đến khu vực “tuyên bố chủ quyền”, ám chỉ quần đảo Trường Sa. Chiến thuật của Trung Quốc là sử dụng tàu chiến, máy bay để cản trở và quấy rối cho các bên tranh chấp khác khi tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí tại các vùng biển tranh chấp, cụ thể là quần đảo Trường Sa, sau đó sẽ bắt đầu thương thảo để chia sẻ lợi ích kinh tế.

Tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông lớn đến mức, Trung Quốc âm mưu chỉ “cung cấp quyền đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh
tế” cho mỗi quốc gia ven Biển Đông nhưng Bắc Kinh sẽ kiểm soát và chiếm tất cả các mỏ dầu khí ở Biển Đông bên ngoài phạm vi 22 km tính từ bờ biển các nước ven Biển Đông, theo Strategypage.
Bắc Kinh cho rằng sẽ không có một quốc gia nào, kể cả Mỹ sẽ dám đối đầu với Trung Quốc bằng lực lượng quân sự trên Biển Đông. Hiện tại Trung Quốc sẽ hạn chế sử dụng vũ lực quân sự.

Chiêu bài được Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông giai đoạn hiện nay là sử dụng các tàu dân sự, bán quân sự hoặc tàu quân sự cỡ nhỏ “vô tình” phá hủy lưới đánh cá, cắt cáp, ngăn chặn và làm gián đoạn các hoạt động thăm dò dầu khí của các nước khác. Bất cứ biện pháp đối phó nào của các bên đương sự sử dụng lực
lượng quân sự để đối phó với nhóm phá hoại này  sẽ đều tạo cớ để Bắc Kinh tức tốc phái máy bay, tàu chiến có mặt tại hiện trường.
Philippines đã bắt đầu hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại Bãi Cỏ Rong từ năm 2005 và mũi khoan đầu tiên bắt đầu vào năm ngoái, nhưng tất cả đều bị gián đoạn bởi sự can thiệp từ Trung Quốc.

Hôm qua 25/1, Manuel V. Pangilinan, Chủ tịch tập đoàn Dầu khí Philippines Philex nói với tờ Philstar, rất khó để khẳng định chắc chắn khi nào tập đoàn này có thể tiến hành thăm dò, khai thác (trái phép - PV) trên Bãi Cỏ Rong. Điều mà Philex có thể làm bây giờ chỉ là chờ đợi, khi nhào nhận được chỉ thị từ chính phủ Philippines, Philex sẽ triển khai thăm dò, khai thác dầu khí ở Bãi Cỏ Rong.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Albert del Rosario cho hay, việc tiếp theo sau khi khởi kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc, Philippines sẽ bắt tay vào việc xúc tiến thành lập tổ Trọng tài 5 thành viên và đàm phán về địa điểm xét xử. Thượng viện, Hạ viện và các bộ ban ngành của Philippines đều nỗ lực ủng hộ quyết định kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc của Nội các Tổng thống Aquino.

Về vấn đề "hợp tác chung" với Trung Quốc, Ngoại trưởng Rosario cho rằng, nếu "hợp tác theo mô hình Trung Quốc" sẽ là một hành vi vi phạm Hiến pháp Philippines, nếu Trung Quốc muốn "hợp tác" (tại Bãi Cỏ Rong - PV), thì phải theo quy định của luật pháp Philippines, điều này đã được Tổng thống Aquino khẳng định trước đó.
Hồng Thủy