Philippines triệu Đại sứ TQ, thuê luật sư kiện "đường lưỡi bò"

23/01/2013 13:00
Hồng Thủy (Nguồn: Philstar)
(GDVN) - Một chuyên gia luật quốc tế của Đức tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển làm thành viên đại diện cho Philippines tại tổ trọng tài. Luật sư Francis Jardeleza được lựa chọn phụ trách tư vấn cho Philippines để tiến hành các thủ tục tố tụng.
Mã Khắc Khanh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines bị Bộ Ngoại giao nước sở tại triệu tập vào 1 giờ chiều qua 22/1
Mã Khắc Khanh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines bị Bộ Ngoại giao nước sở tại triệu tập vào 1 giờ chiều qua 22/1
Tờ Philstar ngày 23/1 đưa tin, lúc 1 giờ chiều hôm qua 22/1 giờ Manila, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Manila, Mã Khắc Khanh tới trụ sở Bộ để thông báo về việc Philippines sẽ kiện tuyên bố "đường lưỡi bò" chín đoạn của Trung Quốc nuốt gần hết Biển Đông ra Tòa án Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi hy vọng rằng hội đồng trọng tài quốc tế sẽ căn cứ theo quy định của luật pháp quốc tế buộc Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, vùng tiếp giáp lãnh hải và lãnh hải trên Biển Tây Philippines (tức Biển Đông - PV)", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines nói với Mã Khắc Khanh, "chúng tôi yêu cầu Trung Quốc từ bỏ ngay các tuyên bố trái pháp luật và các hành động vi phạm chủ quyền" trên
Biển Đông.
"Đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố thực tế 'nuốt' gần như toàn bộ Biển Tây Philippines, chúng ta phải mạnh mẽ bác bỏ các yêu cầu phi pháp của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Philippines", một quan chức Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định.

Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho hay, việc kiện "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc ra Tòa án Liên Hợp Quốc là quyết định độc lập của Manila mà không có sự tham gia của Mỹ hay Nhật Bản. Manila hy vọng quá trình xử lý các trọng tài quốc tế sẽ mang lại một giải pháp bền vững giải quyết tranh chấp.
Trong đơn kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc, Philippines cũng "yêu cầu Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng Philippines có quyền đối với vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và ranh giới thềm lục địa của mình thành lập từ đường cơ sở theo quy định của UNCLOS".

Manila cũng yêu cầu Liên Hợp Quốc tuyên bố một cách rõ ràng rằng Trung Quốc đã nhiều lần cố tình ngăn chặn Philippines khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình trong khi Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế khi tìm cách khai thác các nguồn tài nguyên t ại đây.

Philippines đề nghị Liên Hợp Quốc buộc Trung Quốc phải điều chỉnh luật pháp trong nước họ cho phù hợp với các quy định của UNCLOS sau khi tỉnh Hải Nam ban hành một quy định cho phép "kiểm tra, bắt giữ" các tàu thuyền nước ngoài "đi vào vùng biển Trung Quốc" vốn được người Trung Quốc cố tình giải thích bằng đường "lưỡi bò".
Bộ Ngoại giao Philippines một lần nữa yêu cầu Liên Hợ Quốc buộc Trung Quốc phải ngừng ngay các hoạt động ngăn chặn tàu thuyền Philippines ra vào đầm phá bãi cạn Scarborough trên Biển Đông đang bị Trung Quốc gây rối và ngăn chặn từ hồi tháng 4 năm ngoái.

Phiên tòa có thể được tổ chức tại một địa điểm ở một nước thứ 3 nếu 2 bên đạt được đồng thuận, nhưng cũng phải mất ít nhất 3 đến 4 năm. Theo quy định của UNCLOS về trọng tài quốc tế, các bên nguyên - bị đơn được quyền cử đại diện vào tổ trọng tài 5 thành viên được thành lập theo lệnh của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. 

Philippines đã chính thức bổ nhiệm Thẩm phán Rudiger Wolfrum, một chuyên gia luật quốc tế của Đức tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển làm thành viên đại diện cho Philippines tại tổ trọng tài. Luật sư Francis Jardeleza được lựa chọn phụ trách tư vấn cho Philippines để tiến hành các thủ tục tố tụng.
Hồng Thủy (Nguồn: Philstar)