Phượng Hoàng: Trung Quốc không nên dồn chiến hạm về Biển Đông dọa Việt Nam

02/02/2015 13:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Phượng Hoàng cho rằng Trung Quốc lâu nay vẫn là đối tượng Việt Nam thường xuyên phải cảnh giác, đề phòng.
Lực lượng tàu ngầm Kilo trở thành đề tài bàn tán của truyền thông Trung Quốc, cũng là cái cớ để một số tờ báo nước này liên tục kích động đối đầu trên Biển Đông.
Lực lượng tàu ngầm Kilo trở thành đề tài bàn tán của truyền thông Trung Quốc, cũng là cái cớ để một số tờ báo nước này liên tục kích động đối đầu trên Biển Đông.

Đài Phượng Hoàng ở Hồng Kông có quan điểm thân Bắc Kinh ngày 2/2 lại bình luận về khả năng xung đột quân sự Trung - Việt trên Biển Đông xoay quanh những câu chuyện giả tưởng của truyền thông Trung Quốc về lực lượng tàu ngầm của Hải quân Việt Nam. Phượng Hoàng cho rằng Trung Quốc lâu nay vẫn là đối tượng Việt Nam thường xuyên phải cảnh giác, đề phòng, vậy 6 chiếc tàu ngầm Kilo 636MV Việt Nam mua của Nga sẽ gây ra điều gì đối với Trung Quốc?

Bắc Kinh không thể xem thường khả năng uy hiếp bằng tên lửa phi đối xứng của Việt Nam

Đài này tuyên truyền, tàu ngầm Kilo mà Việt Nam mua của Nga hiện nay được trang bị tên lửa Club-S có tầm bắn 290 km, có thể tấn công các mục tiêu chiến hạm mặt nước. Tàu ngầm Kilo Nga bán cho Trung Quốc được cho là cũng có "năng lực tương đương" phiên bản bán cho Việt Nam, tuy nhiên đến nay điều đó vẫn chưa được xác nhận. Ngoài hệ thống hỏa lực tàu ngầm này, trước đó Việt Nam còn mua của Nga hệ thống tên lửa đất đối hạm cơ động trên đất liền Club-K.

Theo Phượng Hoàng, mặc dù giờ vẫn chưa đủ căn cứ khẳng định số chiến đấu cơ Su-30MK2 Việt Nam mua của Nga đã được biên chế đầy đủ cũng như hệ thống tên lửa chống hạm đi kèm, nhưng rõ ràng ý định của Việt Nam xây dựng năng lực chống hạm kết hợp hải - lục - không quân là rất rõ ràng. Bắc Kinh xem Biển Đông là sân sau của họ, đồng thời cũng là trung tâm khai thác tài nguyên và hàng hải quốc tế trọng điểm trong tương lai. Nhưng có thể thấy trước mắt hướng Hoa Đông vẫn là trọng tâm chiến lược của Trung Nam Hải.

Do đó đài này cho rằng Trung Quốc "không nên dồn lượng lớn chiến hạm mặt nước xuống Biển Đông để uy hiếp quân sự với Việt Nam trong thời gian kéo dài". Phượng Hoàng cho rằng chiến thuật tương đối khả thi của Bắc Kinh là bố trí tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 056 thường xuyên "tuần tra" ở Biển Đông, khi nào xảy ra tình huống nghiêm trọng mới điều động chiến hạm cỡ lớn. Tuy nhiên năng lực phòng không của loại tàu hộ vệ này khá hạn chế, khó giữ "toàn mạng" thoát thân một khi gặp phải cuộc tấn công tên lửa đa phương vị từ Việt Nam.

Còn loại tàu hộ vệ lớp 056C, 056D có năng lực phòng không tốt hơn, nhưng có thể đồng thời chống trả tấn công tên lửa từ nhiều hướng hay không cũng còn nhiều điều phải bàn. Do đó Phượng Hoàng cho rằng ngay từ đầu xung đột Trung Quốc phải dùng mọi cách chế áp hiệu quả, phá hủy sức chiến đấu của tên lửa chống hạm Việt Nam, điều này đòi hỏi Bắc Kinh phải có khả năng hiệp đồng tác chiến cao hơn nữa.

Chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam chắc tay súng bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam chắc tay súng bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Bởi vậy Phượng Hoàng cho rằng trình độ kĩ chiến thuật tổng thể của Hải quân Việt Nam "kém xa Trung Quốc"?! Nhưng uy hiếp tên lửa phi đối xứng của Việt Nam, Bắc Kinh không thể không cảnh giác.

"Trung Quốc nên mặc cả với Nga hạn chế nguồn cung cho Việt Nam"

Trong tương lai không xa, hệ thống tấn công tên lửa chống hạm của Việt Nam từ 6 chiếc tàu ngầm Kilo 636MV là lớn nhất. Tuy nhiên đài Phượng Hoàng cho rằng Trung Quốc ngoài việc có đầy đủ năng lực nghiên cứu phát triển tên lửa chống hạm "hàng đầu thế giới", còn được trang bị lực lượng tàu ngầm Kilo hiện đại chỉ đứng sau Nga. Vì thế Phượng Hoàng cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể lợi dụng kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm Kilo trong thời gian dài để nghiên cứu "cách đánh" tàu ngầm Kilo Việt Nam.

Phượng Hoàng cho rằng Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí, công nghiệp quốc phòng chưa phát triển nên sẽ rất nguy hiểm nếu bị nhà cung cấp hạn chế. Đài này xúi Trung Nam Hải nên dùng các thủ đoạn ngoại giao và mua sắm quân sự để ngăn chặn "từ gốc" không để Nga bán các loại tên lửa chống hạm hiện đại cho Việt Nam. Mặt khác năng lực sử dụng tàu ngầm Kilo của Việt Nam còn yếu, duy tu bảo dưỡng phải dựa hoàn toàn vào Nga và Ấn Độ, nếu Bắc Kinh can thiệp "cắt đứt ngoại viện" thì sẽ biến lực lượng tàu ngầm Việt Nam chỉ còn là "hạm đội tồn tại"?!

Hãng truyền thông Trung Quốc này đang cố tình tỏ ra ngây thơ khi cho rằng Trung Nam Hải có thể khiến Kremlin hạn chế cung cấp vũ khí cho Việt Nam nâng cao năng lực phòng thủ? Thời đại khách hàng là thượng đế, không chỉ Nga mà nhiều nhà cung cấp khác còn đang phải tìm kiếm, chăm sóc khách hàng còn chưa chắc đã giữ nổi chân, làm sao có chuyện người Nga để Trung Quốc dắt mũi họ?

Mặt khác, hoạt động hiện đại hóa quân đội, nâng cao năng lực phòng thủ của Việt Nam là nhằm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam chứ không phải đe dọa bất kỳ ai, cớ gì một số kênh truyền thông Trung Quốc cứ ra sức bàn về một cuộc "chiến tranh Trung - Việt", đi ngược lại hoàn toàn những phát biểu thiện chí của Trung Nam Hải?

Đài này cho rằng, trong trường hợp người Nga "không chịu phối hợp" với Bắc Kinh để "phong tỏa Việt Nam", Trung Quốc chỉ còn cách phong tỏa lực lượng tàu ngầm Việt Nam ở Biển Đông khiến lực lượng này cùng các tàu cung cấp, duy tu nội bất xuất ngoại bất nhập?! Kết luận bài báo, Phượng Hoàng lên giọng trịch thượng sặc mùi miệt thị khi rêu rao: "Việt Nam chỉ là một nước nhỏ, bất luận chiến lược kiềm chế Trung Quốc nào cũng đều không đáng đọ với Trung Quốc. Dù có nhập khẩu lượng lớn vũ khí hiện đại cho hải - không quân, nhưng năng lực sản xuất của Việt Nam còn yếu càng khiến người Việt bị kẻ khác chi phối..."

Hồng Thủy