Phương Tây bất lực với Putin, NATO đổi thế trận quốc phòng

19/03/2014 11:00
Nguyễn Hường
(GDVN) - Các động thái trên của Nga đã khiến phương Tây suy nghĩ lại về thế trận quốc phòng của mình.

Mỹ và các đồng minh châu Âu dường như bất lực khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bỏ qua tất cả các áp lực và đe dọa, quyết định sáp nhập Crimea và Sevastopol vào lãnh thổ Liên bang. 

Sự kiên quyết của ông Putin đã đặt ra thách thức cho chính quyền Tổng thống Barack Obama hiện nay là làm cách nào để ngăn chặn Moscow di chuyển ra ngoài Crimea tới các phần còn lại của Ukraine. 

Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Crimea, Sevastopol bắt tay nhau sau khi ký kết hiệp ước sáp nhập vào Liên bang Nga.
Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Crimea, Sevastopol bắt tay nhau sau khi ký kết hiệp ước sáp nhập vào Liên bang Nga. 
Mỹ và các đồng minh đã tuyên bố sẽ sử dụng các biện pháp từ đóng băng tài sản cá nhân đến các doanh nghiệp Nga, cấm đi lại... và hứa hẹn các biện pháp trừng phạt mới. Đến thời điểm này, không có điều gì rõ ràng cho thấy các biện pháp này đang được chuẩn bị hoặc khi nào nó sẽ có hiệu lực, tờ Wasington Post hôm 19.3 đưa tin cho biết.
Tuy nhiên, chắc chắn các động thái trên của Nga đã khiến phương Tây suy nghĩ lại về thế trận quốc phòng của mình.
Lúc này, không còn gì để nghi ngờ rằng châu Âu phải đầu tư nhiều hơn nữa về quốc phòng và an ninh", Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Nhiều người châu Âu muốn một sự tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu".
Nhiều chuyên gia cho rằng hình ảnh của phương Tây vô địch và khả năng bênh vực đồng minh của mình có thể bị tổn hại sau sự kiện Crimea. 
Theo nhận định của Andrew Weiss, Phó chủ tịch Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế và là một chuyên gia Nga hàng đầu trong chính quyền George HW Bush và Clinton, với phương châm đối thoại và đa phương, chính quyền Tổng thống Obama dường như đang bị choáng ngợp khi phải đối mặt với một vấn đề không nằm trong kế hoạch.
Theo ông, Mỹ đã rút dần sự hiện diện ở châu Âu, nhưng lại mở rộng đảm bảo quốc phòng cho các thành viên mới của NATO ở phía đông. Sau biến động gần đây ở Crimea, các quốc gia trong khu vực sát vách Nga đang hoảng sợ trước những gì Putin đã làm. 
Fiona Hill của Viện Brookings cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine vài năm qua là hậu quả của sự giằng co giữa châu Âu và Nga. Châu Âu đã buộc Ukraine phải lựa chọn hoặc là hội nhập với EU hoặc tham gia thị trường Putin đang thiết lập ở phía đông. 

Khi chính phủ Kiev do Nga hậu thuẫn chọn Putin, lực lượng ủng hộ châu Âu đã vùng lên lật đổ tổng thống, bà Hilll nói thêm.

Để cứu vãn tình hình, chính quyền Obama và NATO đang tăng cường hoạt động trấn an các thành viên của nó gần Nga bằng cách điều động thêm thiết bị tới lãnh thổ của họ, hứa hẹn cung cấp hỗ trợ bổ sung cho Ukraine, tăng cường an ninh trong khu vực và tổ chức các cuộc hội đàm tìm kiếm phương sách ngăn chặn Nga hiệu quả nhất./.
Nguyễn Hường