Poroshenko dọa bãi bỏ tình trạng đặc biệt của Donetsk, Luhansk

04/11/2014 07:28
Nguyễn Hường
(GDVN) - Cuộc bầu cử ở Đông Ukraine có thể tạo ra một cuộc xung đột mới ở châu Âu và tiếp tục đe dọa sự thống nhất lãnh thổ của Ukraine.

Cuộc bầu cử bầu ra lãnh đạo riêng của khu vực mà Kiev cáo buộc do Nga khuyến khích có thể tạo ra một cuộc xung đột mới ở châu Âu và tiếp tục đe dọa sự thống nhất lãnh thổ của Ukraine. 

Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko.
Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko.

Các nhà tổ chức bỏ phiếu cho biết, lãnh đạo lực lượng ly khai tại tỉnh Donetsk và Luhansk đều đã giành chiến thắng "vang dội" trong cuộc bầu cử ngày 2/11.

Trong tuyên bố hôm 3/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã lên án cuộc bầu cử tại miền Đông là "một trò hề", một "sự kiện khủng khiếp không có gì chung với biểu hiện thực của ý chí nhân dân" và lặp lại cáo buộc rằng nó vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/9 được cho là thỏa thuận nền giúp mở ra một giải pháp cho vấn đề ly khai tại Ukraine.

Ông Poroshenko đe dọa có thể bãi bỏ luật về tình trạng đặc biệt của Donetsk và Luhansk và đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các lãnh đạo an ninh quốc gia vào ngày 4/11 để thảo luận về cách thức mới nhằm đối phó với những thách thức từ lực lượng ly khai ở miền đông sau cuộc bầu cử tại khu vực này.

Đại diện của các vùng Donetsk và Luhansk cho biết, họ vẫn tuân thủ các nội dung của thỏa thuận ngày 5/9 và sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Kiev nếu chính quyền "hành động một cách hợp lý." Tuy nhiên cho đến nay chính quyền Kiev vẫn từ chối đàm phán với lực lượng này.

Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Aleksandr Zakharchenko, người đã giành "chiến thắng vang dội" trong cuộc bầu cử.
Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Aleksandr Zakharchenko, người đã giành "chiến thắng vang dội" trong cuộc bầu cử. 

Moscow cũng tin rằng các cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine diễn ra phù hợp hoàn toàn với thỏa thuận ngày 5/9 và công bằng, đồng thời kêu gọi chính quyền Kiev tiếp tục đối thoại với lực lượng ly khai. 

Điều phương Tây đang chờ đợi để đưa ra phản ứng tiếp theo liên quan tới vấn đề này chính là một tuyên bố chính thức từ Nga, trong đó công nhận kết quả bầu cử ở khu vực miền Đông Ukraine. 

Washington ngày 2/11 một lần nữa đổ lỗi cho Nga phá vỡ thỏa thuận ngày 5/9 và cảnh báo sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nếu Moscow công nhận kết quả bỏ phiếu "bất hợp pháp".

Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng ngày cũng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin không công nhận kết quả bầu cử tại Donetsk và Luhansk vì nó có thể làm suy yếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. 

Người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel cho biết, Đức không thể hiểu được "tiếng nói chính thức của Nga" về việc công nhận cuộc bầu cử ở miền đông Ukraine.

Nguyễn Hường