Putin gửi thư cho 18 nước châu Âu cảnh báo cắt giảm khí đốt

11/04/2014 06:08
Nguyễn Hường
(GDVN) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10/4 cảnh báo rằng nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu có thể bị gián đoạn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10/4 cảnh báo rằng nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu có thể bị gián đoạn khi Moscow cắt giảm lượng khí đốt bán cho Ukraine vì chậm thanh toán tiền mua khí quá lâu.
Trong bức thư gửi các nhà lãnh đạo của 18 quốc gia châu Âu (gồm Đức, Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Moldova, Ba Lan và Romania), ông Putin nói rằng sự kiên nhẫn của ông đối với khoản nợ 2,2 tỉ USD mua khí đốt của Kiev đã gần tới giới hạn nếu Ukraine không có một giải pháp khẩn trương cho vấn đề này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Nga đã tăng gần gấp đôi giá bán khí đốt cho Ukraine sau khi chính quyền Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ và bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang. 
Ông Putin cho biết, tập đoàn Gazprom sẽ yêu cầu thanh toán trước khi cung cấp khí đốt cho Ukraine và trong trường hợp tiếp tục vi phạm các điều kiện thanh toán sẽ chấm dứt hoàn toàn hoặc một phần hoạt động phân phối khí đốt. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh rằng yêu cầu thanh toán trước tiền mua khí đốt sẽ là một biện pháp cực đoan vì nó sẽ tác động tới nguồn cung cấp khí cho các quốc gia châu Âu khác. 
Điều này có thể gây tác động lớn tới các nước Liên minh châu Âu, trong đó phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga và hệ thống đường ống dẫn khí đốt chạy qua Ukraine. Nga cung cấp 30% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho châu Âu, trong đó một nửa số này đi qua đường ống ở Ukraine.
"Chúng tôi hoàn toàn nhận ra rằng điều này làm tăng nguy cơ giảm lượng khí đốt tự nhiên đi qua lãnh thổ Ukraina và hướng tới người tiêu dùng châu Âu", Tổng thống Nga cho biết trong bức thư.
Mỹ đã ngay lập tức lên án động thái trên của Tổng thống Putin là sử dụng năng lượng để gây áp lực với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
"Chúng tôi lên án những nỗ lực của Nga sử dụng năng lượng như một công cụ ép buộc chống lại Ukraine," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki nói.
Gazprom từng ngừng bơm khí đốt cho Ukraine trong thời gian tranh chấp giá vào mùa đông năm 2005-2006 và 2008-2009, dẫn đến nguồn cung cho các nước châu Âu cũng bị sụt giảm. 
Các quan chức Nga cho biết, việc bán khí đốt cho Ukraine bị cắt giảm là hoàn toàn vì mục đích thương mại và Moscow buộc phải làm như vậy sau khi Kiev không đáp ứng thời hạn thanh toán tiền nợ mua khí những tháng trước cho Nga vào hôm thứ Hai.  
Khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga là Đức, quốc gia phải nhập khẩu 25 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, khoảng 1/3 nhu cầu của người Đức. Ý cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí của Nga vì các đối tác khác không đáng tin cậy. Trong khi đó, Lithuania , Estonia, Phần Lan, Latvia, Bulgaria và Cộng hòa Séc nhập khẩu 100% khí tự nhiên từ Nga./.
Nguyễn Hường