Quan hệ Nga - Mỹ hậu bầu cử: Triển vọng và thách thức

02/03/2012 07:13
Ngọc Huyền (Theo Voice of Russia)
(GDVN) - Nhiều chuyên gia cho rằng, sau khi quyền lực chính trị ở cả hai nước có sự "đổi mới", quan hệ song phương Nga-Mỹ có thể thay đổi.
Tương lai của quan hệ Nga – Mỹ là một trong chủ đề chính nằm trong sự quan tâm của thế giới, đặc biệt là khi cả hai nước sắp trải qua cuộc bầu cử tổng thống.
Trước đó, trong nhiều tháng qua,  mối quan hệ Nga - Mỹ đã cực kỳ nhạy cảm do bất đồng về tình hình Syria, Iran, Afghanistan, lá chắn tên lửa của NATO và một số vấn đề khác. 
Song, nhiều người hy vọng, quan hệ giữa các quốc gia này sẽ có nhiều cải thiện sau các cuộc bầu cử trọng đại của dân tộc. 
Cuộc bầu cử tổng thống ở Nga sẽ được tổ chức vào ngày 04/3, trong khi các công dân Mỹ sẽ bỏ phiếu cho một nhà lãnh đạo mới vào ngày 4/11. 
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau khi quyền lực chính trị ở cả hai nước có sự "đổi mới", quan hệ song phương Nga – Mỹ có thể thay đổi. Đảng Dân chủ Mỹ đã đề cử Barack Obama với chính sách có xu hướng thân thiện với Nga.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa đã tổ chức bầu cử sơ bộ và hiện, ứng cử viên tiềm năng nhất của họ là Mitt Romney, người vốn có một cái nhìn khá lạ về Moscow.

Eduard Lozansky - Chủ tịch Đại học Mỹ tại Moscow cho rằng, Romney đã đi quá xa khi nói rằng nền dân chủ ở Nga quá thấp và Mỹ nên bắt đầu chú ý nhiều hơn đến các nước Trung Á, từ đó có thể thay đổi mức độ ảnh hưởng của nước này lên Nga. 
Theo Eduard Lozansky, một mặt Romney thể hiện sự yêu mến các giá trị dân chủ, mặt khác lại có kế hoạch sử dụng chế độ độc tài để gây áp lực với Nga”.
Như thế, một sự đổi ngôi ở Mỹ trong tương lai gần cũng có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách đối ngoại với Nga.
Về phía Moscow, trong một phần chiến dịch tranh cử của mình, các ứng cử viên Tổng thống Nga đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn đối với Mỹ, hứa hẹn sẽ sửa đổi chính sách đối ngoại của nước này.
Tuy nhiên, thế giới không nên mong đợi bất kỳ thay đổi mạnh mẽ nào ở đây. Bởi cũng giống như bất kỳ nhà nước nào, Nga có nền tảng chính sách đối ngoại cơ bản của mình. Nó sẽ không dễ dàng vận động, thay đổi theo một sự chuyển giao quyền lực nào.
Theo Đài tiếng nói nước Nga, nhà phân tích chính trị Sergey Markedonov bình luận: "Không hẳn là chính xác khi cho rằng, những thay đổi trong chính sách đối ngoại có quan hệ với các cuộc bầu cử. 
Có nhiều vấn đề không trực tiếp liên quan tới Putin hoặc một vị Tổng thống khác. Ví dụ, tình hình trên các vùng lãnh thổ của quốc gia hậu Xô Viết và ở Trung Đông. 
Tất nhiên, Tổng thống mới sẽ không phải là một yếu tố khách quan trong chính sách đối ngoại của một quốc gia và cái tên của tổng thống là không quan trọng ".
Trước đó, dư luận quốc tế đã được chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ giữa Nga và Mỹ trong nhiều vấn đề như đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chống khủng bố, cướp biển.
Hai bên đã có thỏa thuận mang tính lịch sử về cắt giảm kho vũ khí chiến lược. Tuy nhiên, nhiều bất đồng sẽ còn tồn tại trong quan hệ Nga-Mỹ và đó là những thách thức thực sự đối với các tân Tổng thống của hai nước.

Ngọc Huyền (Theo Voice of Russia)