Quy tắc ứng xử trên Biển Đông dậm chân tại chỗ chỉ vì Trung Quốc

13/06/2013 06:00
Hồng Thủy (Nguồn: Asia Times Online)
(GDVN) - Tiến trình này đã bị gián đoạn mãi đến cuối năm 2011 Trung Quốc mới "đồng ý về nguyên tắc" mở các cuộc thảo luận với ASEAN về COC, nhưng đến giữa năm 2002 Trung Quốc lại "giở chứng" khi nói rằng "thời điểm chưa chín muồi" và chụp mũ, đổ thừa cho Philippines, Việt Nam vi phạm DOC.
Ông Vương Nghị, tân Ngoại trưởng Trung Quốc
Ông Vương Nghị, tân Ngoại trưởng Trung Quốc
Chia sẻ trên tờ Asia Times Online hôm 10/6, học giả Ian Storey thuộc viện Nghiên cứu Đôn Nam Á ở Singapore, chuyên gia về Biển Đông cho rằng tiến trình đàm phán COC để duy trì ổn định ở Biển Đông sẽ vẫn dậm chân tại chỗ khi Bắc Kinh chỉ tìm cách hoãn binh, né tránh.
Ngay từ khi ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, các bên cam kết sẽ làm việc hướng tới ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn. Tiến trình này đã bị gián đoạn mãi đến cuối năm 2011 Trung Quốc mới "đồng ý về nguyên tắc" mở các cuộc thảo luận với ASEAN về COC, nhưng đến giữa năm 2002 Trung Quốc lại "giở chứng" khi nói rằng "thời điểm chưa chín muồi" và chụp mũ, đổ thừa cho Philippines, Việt Nam vi phạm DOC. Là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2013, Brunei đã xem việc đàm phán COC như là trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình. Singapore và Indonesia cũng đặc biệt tích cực vận động hành lang, vận động hậu trường thúc đẩy tiến trình đàm phán COC, nhưng chẳng có tiến triển nào đáng kể (do Trung Quốc luôn tìm cách hoãn binh, lảng tránh - PV). Ngày 02/4, Vương Nghị, tân Ngoại trưởng Trung Quốc nói với các quan chức ASEAN đang dự một hội nghị tư vấn tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẵn sàng đàm phán COC. Nhưng khi các Ngoại trưởng ASEAN nhóm họp tại Brunei ngày 11/4 để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh khối vào 22/4, trong đó có bàn đến COC thì Trung Quốc đã không cử đại diện tham dự. Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa đã phải lên tiếng tố cáo Trung Quốc có những hành động đơn phương vi phạm DOC mà việc kéo 4 chiến hạm hạm đội Nam Hải ra tận bãi James phía nam quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) chỉ cách bờ biển Malaysia 80 km để tập trận trái phép là một ví dụ. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22, Brunei đã phải vận dụng hết khả năng ngoại giao của mình để đảm bảo sự đồng thuật nội khối ASEAN về Biển Đông, tránh lặp lại thất bại đáng xấu hổ của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tháng 7 năm ngoái khi Campuchia làm Chủ tịch luân phiên.  Tuy nhiên các nhà lãnh đạo khối cũng chỉ có thể giao nhiệm vụ cho các Ngoại trưởng tiếp tục thúc giục Trung Quốc sớm ngồi vào bàn đàm phán COC. Một vài tuần sau đó, Vương Nghị có chuyến công du 4 nước ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore và Brunei và lại tiếp tục (luận điệu) "Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về tiến trình đàm phán COC trong khuôn khổ nhóm làm việc chung giữa ASEAN - Trung Quốc (JWG) về việc thực hiện DOC". Tuy nhiên tuyên bố này của Vương Nghị dường như chỉ cố gắng để làm giảm áp lực từ các nước ASEAN thay vì thực tâm thiện chí muốn đàm phán COC. Tiến trình này không có bước cải thiện nào đáng kể khi JWG nhóm họp tại Bangkok Thái Lan hôm 29/5 chỉ thỏa thuận được một, hai vai trò hoặc thành phần của nhóm chuyên gia nghiên cứu đàm phán COC. Vấn đề này còn tiếp tục được đưa ra bàn bạc trong tháng 8 tới đây giữa Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc nên hoàn toàn không thực tế khi hy vọng COC sẽ được ký tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc trong tháng 10 tới.

Hồng Thủy (Nguồn: Asia Times Online)