Rosario trả lời Tập Cận Bình vụ "hợp tác khai thác Biển Đông"

05/08/2013 07:59
Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)
(GDVN) - Ông cho biết khi Tập Cận Bình đưa ra khái niệm khai thác chung, Rosario khi đó đã trả lời: "Tôi cho rằng, miễn là hợp tác khai thác chung không vi phạm pháp luật Philippines, chúng tôi đồng ý với nó".
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) xuất bản tại Hồng Kông ngày 5/8 đưa tin, Philippines đang nỗ lực tìm cánh giảm thiểu sự khác biệt với Trung Quốc phần lớn bắt nguồn từ yêu sách lãnh thổ tại Biển Đông. Việc ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm Việt Nam ngày hôm qua 4/5, Philippines trở thành nước duy nhất trong số các bên yêu sách Biển Đông mà ông Nghị chưa tới thăm kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vẫn không bỏ cuộc. SCMP cho hay, khi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Manila hôm thứ Năm tuần trước, Rosario đã đề nghị nếu Trung Quốc có thông điệp nào về lời mời Vương Nghị thăm Manila "hãy vui lòng thông báo cho chúng tôi". Trung Quốc dường như đang nhấn mạnh sự rạn nứt giữa hai nước thời gian gần đây. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 3, ông Nghị đã thăm 7/10 quốc gia thành viên ASEAN, 2 trong số 3 nước còn lại ông chưa đi thăm là Campuchia và Myanmar có mối quan hệ thân cận và nhận sự viện trợ, đầu tư "hào phóng" của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị thăm 7/10 thành viên ASEAN từ khi nhậm chức, nhưng chưa tới Philippines dù người đồng cấp nhiều lần mời.
Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị thăm 7/10 thành viên ASEAN từ khi nhậm chức, nhưng chưa tới Philippines dù người đồng cấp nhiều lần mời.
Del Rosario đã tiếp tục thể hiện thiện chí mời Vương Nghị tới thăm Philippines thậm chí ngay cả khi 2 bên lời qua tiếng lại tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 46 và diễn đàn an ninh khu vực ARF tại Brunei. Ngoại trưởng Philippines khi đó bày tỏ "mối lo ngại nghiêm trọng" đối với việc Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Cộng thêm việc Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã khiến Bắc Kinh cảm thấy bị mất mặt. Khi được tờ SCMP đề nghị bình luận tuyên bố mới đây của ông Tập Cận Bình hôm 30/7 về cái gọi là "phương châm" đàm phán (vô lý và không thể chấp nhận) rằng "chủ quyền thuộc về Trung Quốc, gác tranh chấp cùng hợp tác", Rosario không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà kể lại cuộc gặp với ông Bình. Ông cho biết khi Tập Cận Bình đưa ra khái niệm khai thác chung, Rosario khi đó đã trả lời: "Tôi cho rằng, miễn là hợp tác khai thác chung không vi phạm pháp luật Philippines, chúng tôi đồng ý với nó". Xung quanh vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines cho rằng đó là một cơ chế pháp lý quốc tế, trong đó Liên Hợp Quốc đã tuyên bố nó không phải một giải pháp không thân thiện. "Trong trái tim chúng tôi, chúng tôi tin mình đã làm đúng. Dù thắng hay thua, nó sẽ tạo ra sự minh xác về quyền hàng hải. Vì vậy, (yêu sách của) tất cả các bên được làm rõ", Albert del Rosario cho biết, đồng thời ông nói thêm rằng ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đã chia sẻ quan điểm này với Philippines. Rosario cũng đánh giá cao những gì Brunei đã làm với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2013 mà ông cho rằng "xuất sắc". Brunei đã đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN từ những hoạt động đầu tiên. "Chúng ta phải thảo luận về nó vì nó là yếu tố rất quan trọng của hòa bình và ổn định trên thế giới".
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)