Scarborough bế tắc, Philippines tham vấn Myanmar

16/06/2012 08:29
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Lưu Vị Dân còn nói rằng, chính quyền Philippines “nhiều lần xác nhận Scarborough không nằm trong phạm vi lãnh thổ Philippines theo luật pháp nước này”, tuy nhiên ông Dân không nói rõ ai đưa ra thông tin này, ở đâu, bao giờ và bao nhiêu lần .
Giới truyền thông Philippines ngày hôm nay 16/6 đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm thứ Năm cho biết Trung Quốc đã bày tỏ ý định sẽ rút tàu thuyền khỏi đầm phá bãi cạn Scarborough, tuy nhiên Manila vẫn đang chờ đợi điều đó.

Ngoại trưởng Philippines và Myanma trao đổi quan điểm xung quanh vấn đề biển Đông trong chuyến công du Philippines của ông U Wunna Maung Lwin
Ngoại trưởng Philippines và Myanma trao đổi quan điểm xung quanh vấn đề biển Đông trong chuyến công du Philippines của ông U Wunna Maung Lwin

Tuyên bố trên được ông Albertdel Rosario đưa ra trong cuộc họp báo tại khách sạn Manila Peninsula ở thành phố Makati, nơi ông đang cùng Ngoại trưởng Myanma U Wunna Maung Lwin ký kết thỏa thuận hợp tác song phương ủy ban hỗn hợp Philippines – Myanmar lần 2.

“Trung Quốc cam kết rút các tàu nước này (khỏi đầm phá Scarborough) một vài ngày trước đây”, Ngoại trưởng Philippines cho hay, “Đó chính xác là những gì chúng ôi đang mong chờ”. 

Trích dẫn báo cáo từ lực lượng Cảnh sát biển Philippines, ông Albert del Rosario cho biết đến ngày thứ Năm vừa rồi 14/6 vẫn còn 20 đến 26 tàu cá Trung Quốc đánh bắt (trái phép) trong đầm phá bãi cạn Scarborough.

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho hay, tính đến ngày 14/6 Trung Quốc duy trì 7 tàu công vụ (Hải giám và Ngư chính) bên ngoài đầm phá bãi cạn Scarborough. Tình hình khu vực này vẫn duy trì “ổn định”.

Ngoài ra, chia sẻ với báo chí Ngoại trương Albert de Rosario cho hay, ông có nhận được một báo cáo về một chiếc máy bay “nước lạ” xâm nhập trái phép không phận Philippines, nhưng đó là máy bay trinh sát, không phải máy bay chiến đấu.

Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì xung quanh những thông tin Ngoại trưởng Philippines cung cấp cho báo chí, tuy nhiên hôm thứ Năm ông Lưu Vị Dân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khẳng định hoạt động của tàu cá Trung Quốc trong đầm phá Scarborough là “bình thường”, “không vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá của chính phủ Trung Quốc?!”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Vị Dân
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Vị Dân

Ngoài ra ông Dân cũng cho hay, lực lượng Hải giám, Ngư chính sẽ vẫn tiếp tục “cung cấp dịch vụ” cho các tàu cá này, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu “Philippines không làm phức tạp thêm tình hình.

Trong khi đó không có bất cứ tàu thuyền nào của Philippines ở trong đầm phá. Bên ngoài đầm phá bãi cạn Scarborough hiện cũng chỉ còn 1 tàu của Cục Thủy sản Philippines canh chừng hoạt động của tàu Trung Quốc.

Tàu Cảnh sát biển Philippines BRP Gregorio del Pilar đã trở về cảng Manila North Harbor hôm qua, thứ Sáu để tiếp nhiên liệu, sau đó sẽ quay trở lại Scarborough.

Trong khi Trung Quốc duy trì 7 tàu Hải giám, Ngư chính bên ngoài đầm phá Scarborough, tàu BPR Gregorio del Pilar phải trở về cảng Manila North Harbor tiếp nhiên liệu
Trong khi Trung Quốc duy trì 7 tàu Hải giám, Ngư chính bên ngoài đầm phá Scarborough, tàu BPR Gregorio del Pilar phải trở về cảng Manila North Harbor tiếp nhiên liệu

Ông Lưu Vị Dân còn nói rằng, chính quyền Philippines “nhiều lần xác nhận Scarborough không nằm trong phạm vi lãnh thổ Philippines theo luật pháp nước này”, tuy nhiên ông Dân không nói rõ ai đưa ra thông tin này, ở đâu, bao giờ và bao nhiêu lần.

Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh, Công ước biển Liên Hợp Quốc không phải căn cứ luật pháp quốc tế để áp dụng vào việc xác định chủ quyền lãnh thổ.

Từ hai lý do trên, ông Lưu Vị Dân đưa ra kết luận: Vì vậy Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) thuộc chủ quyền Trung Quốc là điều không thể tranh cãi?!

Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng ông và người đồng cấp Myanmar đã thảo luận xung quanh bế tắc tại Scarborough với Trung Quốc trong hơn 2 tháng qua.

Tổng thống Philippines tiếp Ngoại trưởng Myanma
Tổng thống Philippines tiếp Ngoại trưởng Myanma

“Chúng tôi thảo luận về nó”, ông Rosario nói, “Về cơ bản chúng tôi đang cố gắng xoa dịu tình hình. Chúng tôi muốn phá vỡ bế tắc và chúng tôi đang tham vấn trực tiếp phía Trung Quốc để làm điều này”.

Ngoại trưởng Philippines không trực tiếp nói rằng nước này đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Myanmar, nhưng ông Rosario cho biết Myanma đã cam kết xem xét các yếu tố cơ bản Philippines đưa ra trong một bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông và hứa sẽ “hỗ trợ đến mức có thể”.

“Chúng tôi chỉ giải thích cho Myanmar tình hình (Scarborough) và cung cấp thông tin cho họ. Tất nhiên, bất kỳ hình thức hỗ trợ hoặc trợ giúp nào đều được chào đón. Chúng ta có thể hưởng lợi từ sự hỗ trợ của cá nước khác.”

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario

Ông Rosario nói rằng, Myanmar ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình, và họ chấp nhận tham vấn song phương.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Philippines bày tỏ hy vọng ASEAN có thể giúp đỡ thông qua bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông mới theo hướng để các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông có thể được giải quyết.

Nếu chỉ là vấn đề tranh chấp Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc thì việc đàm phán song phương là điều có thể chấp nhận.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Thủy