Senkaku: 'Nhật Bản không được phép thỏa hiệp dễ dãi'

12/10/2012 13:23
Bảo Thành (Nguồn: Yomiuri)
(GDVN) - Nếu chính phủ thỏa hiệp một cách dễ dãi với vấn đề này, chủ quyền của Nhật Bản đối với nhóm đảo Senkaku sẽ có thể bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhật báo Yomiuri xuất bản tại Nhật Bản ngày 12/10 cho hay, đã một tháng trôi qua kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku, nhưng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sức ép của Trung Quốc tạo ra đối với Nhật Bản sẽ giảm bớt. Bởi vậy chính phủ Nhật Bản cần phải có những bước chuẩn bị cần thiết cho một cuộc đối đầu lâu dài trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với nhóm đảo này.

Trung Quốc đã quyết định không cử Bộ trưởng Tài chính hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhân dân tham gia hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Quyết định này rõ ràng là muốn cho thế giới thấy rằng Trung Quốc phản đối Nhật Bản trong vấn đề Senkaku.

Trung Quốc muốn cho thế giới thấy rằng họ phản đối Nhật Bản trong vấn đề Senkaku
Trung Quốc muốn cho thế giới thấy rằng họ phản đối Nhật Bản trong vấn đề Senkaku

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hành xử như thể họ không thèm quan tâm đến hội nghị bàn bạc về các vấn đề kinh tế toàn cầu này. Thái độ như vậy sẽ không bao giờ giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Sau các cuộc biểu tình chống Nhật rầm rộ khắp Trung Quốc, chính phủ nước này lại cho phép người dân tiến hành chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Hậu quả là doanh số kinh doanh của các công ty sản xuất xe hơi Nhật Bản tụt thảm hại trong tháng 9. Những tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty Nhật Bản đang ngày càng lan rộng.

Đồng thời, nhiều khách du lịch Trung Quốc cũng hủy tour tới Nhật Bản, khiến các hãng hàng không và các công ty du lịch bị giáng một cú nặng nề.

Dưới sức ép hữu hình và vô hình đó của Trung Quốc, giới kinh doanh Nhật Bản đang đòi hỏi chính phủ phải nhanh chóng giải quyết tình hình. Đề cập đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản với Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã tuyên bố: “Chúng tôi không thể thừa nhận những gì mình không thể thừa nhận, nhưng chúng tôi muốn khai thác những khả năng có thể.”

Ngoại trưởng Koichiro Gemba: Nhật Bản không thể thừa nhận những gì không thể thừa nhận
Ngoại trưởng Koichiro Gemba: Nhật Bản không thể thừa nhận những gì không thể thừa nhận

Tuy nhiên, “ứng vạn biến” nhưng phải “dĩ bất biến”, chính phủ Nhật Bản phải kiên định không được thay đổi chính sách của mình giữa dòng.

Nếu chính phủ thỏa hiệp một cách dễ dãi với vấn đề này, chủ quyền của Nhật Bản đối với nhóm đảo Senkaku sẽ có thể bị đe dọa nghiêm trọng.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã thực hiện chính sách quốc gia mở rộng lãnh thổ và lợi ích hàng hải. Mục tiêu của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay là buộc Nhật Bản thừa nhận có tranh chấp lãnh thổ trên Senkaku và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Bắc Kinh sẽ không ngừng gia tăng sức ép bằng nhiều cách thức khác nhau cho đến khi Nhật Bản chịu từ bỏ.

Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc đánh mất lòng tin của cộng đồng quốc tế bằng cách đơn phương áp dụng chính sách đối ngoại gây áp lực lên Nhật Bản này là có thật.

Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định bổ nhiệm Phó chánh văn phòng Nội các Masato Kitera làm Đại sứ tại Trung Quốc thay ông Shinichi Nishimiya. Chính phủ Nhật cần phải tận dụng việc thay Đại sứ này như một cơ hội để thận trọng tìm ra nhận thức chung giữa Tokyo và Bắc Kinh. 

Tàu Hải giám Trung Quốc thường xuyên tiến hành tuần tra trên vùng biển gần Senkaku
Tàu Hải giám Trung Quốc thường xuyên tiến hành tuần tra trên vùng biển gần Senkaku

Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình ở Senkaku bằng cách cử tàu Hải giám thường xuyên tiến hành tuần tra gần nhóm đảo này.

Tuy nhiên, hiện Bắc Kinh vẫn kiềm chế không gây ra bất cứ hành động nào có thể khiến căng thẳng leo thang. Điều này có thể liên quan đến những động thái kiềm chế gần đây của Mỹ, chẳng hạn như việc Mỹ cử hai cụm tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương và tiến hành cuộc tập trận đổ bộ chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hồi tháng trước.

Tàu sân bay Mỹ triển khai trên Tây Thái Bình Dương
Tàu sân bay Mỹ triển khai trên Tây Thái Bình Dương

Rõ ràng là quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật đang là một yếu tố ngăn chặn thái độ khiêu khích của Trung Quốc.

Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản vẫn phải thường xuyên tiến hành các hoạt động trinh sát và giám sát chặt chẽ 24/24 đối với vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku. Cảnh sát biển Nhật Bản hiện đã tăng cường huy động tàu bè từ các vùng trên toàn quốc tới vùng biển này để thực hiện nhiệm vụ tuần tra.

Để đảm bảo duy trì khả năng sẵn sàng cho lực lượng này về lâu dài, chính phủ Nhật Bản cần phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết, trong đó có việc đảm bảo quân số cho lực lượng Cảnh sát biển.  
Bảo Thành (Nguồn: Yomiuri)